Đồng cảm với nhân vật bỗng dưng thành giám đốc công ty... 'ma'

22/09/2020 06:45 GMT+7

Chuyện 'cười ra nước mắt' của anh T.H.Q.H, nhân vật bất ngờ thành giám đốc một công ty “ma” trong bài viết Bỗng dưng thành giám đốc công ty... “ma” thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc.

Anh T.H.Q.H (32 tuổi, quê Long An, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) là nhân vật gửi đơn kêu cứu đến Báo Thanh Niên vì sau khi bị mất CMND, một thời gian sau phát hiện mình trở thành... giám đốc, thành viên góp tiền tỉ thành lập công ty.
Điều đáng nói, sau khi phát hiện, nạn nhân đệ đơn cầu cứu, gõ cửa nhiều cơ quan công quyền nhờ can thiệp vì lo ngại phát sinh những hệ lụy liên quan đến pháp luật, nhưng đến nay vẫn bị... làm giám đốc.
Theo nội dung đơn kêu cứu và trình bày của anh H. với PV Thanh Niên, hơn 4 tháng nay, anh đã mòn mỏi chạy đôn chạy đáo khắp nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, cả gia đình anh cũng mệt mỏi theo, nhưng cách làm việc của các cơ quan chức năng làm anh “nản”.

Cẩn thận giữ gìn giấy tờ tùy thân

Theo ý kiến của nhiều bạn đọc (BĐ), ngày nay việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khá thuận lợi, dễ dàng và nhanh chóng; vì vậy kẻ xấu thường lợi dụng để thành lập các công ty “ma”. “Các khổ chủ là giám đốc công ty “ma” sẽ gặp nhiều việc phiền toái, như: xuất cảnh, làm thủ tục vay vốn ngân hàng; thậm chí có thể trở thành con nợ... Tốt nhất hãy cẩn thận giữ gìn giấy tờ tùy thân, kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng về việc thất lạc giấy tờ tùy thân (nếu có)”, BĐ Phan Việt chia sẻ.

Tại sao các ngành chức năng lại đẩy cái khó về phía người dân trong khi chính người dân là nạn nhân của những thủ đoạn phi pháp? Biết kêu vào đâu?

Trần Công Thành

BĐ Nguyễn Toàn tỏ ra lo ngại cho anh H.: “Việc đã đến nông nỗi như vậy hẳn là anh H. sẽ còn phải chờ dài dài; chờ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc hoặc tệ hơn là chờ cho đến khi những “con ma” kia bị công an tóm được”.
Một thắc mắc khác, không chỉ của anh H. mà nhiều BĐ cũng đặt ra là: Nạn nhân đã 2 lần đến Chi cục Thuế Q.12 (nay gọi là Chi cục Thuế khu vực Q.12 - H.Hóc Môn) trình báo, vì sao cơ quan này không đưa 2 công ty “ma” vào danh sách theo dõi, xử lý?

Nên xem lại quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Từ trường hợp của anh H. và những vụ án đã được công an phát hiện điều tra liên quan đến những “công ty ma” trước đó, theo BĐ cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý. Cụ thể, phải quy trách nhiệm thật nặng và cụ thể đối với cơ quan, cá nhân, tập thể đã cấp phép hoạt động cho các công ty “ma”... vì đã không thẩm tra, xác minh...
“Như vậy thì thật là nguy hiểm khi ai đó lấy địa chỉ “ma”, lấy CMND của người khác mà vẫn thành lập được công ty và góp vốn... Sở KH-ĐT nên xem xét lại quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không cho kẻ gian lợi dụng sơ hở để lừa đảo”, BĐ Huỳnh Nghĩa đề nghị.
BĐ Phạm Lợi cũng góp ý về cách thức xác định những người đứng sau “công ty ma” là: Sở KH-ĐT chỉ cần ra thông báo đến các công ty trên phương tiện thông tin đại chúng. Sau 1 tháng không thấy đến làm việc với Sở KH-ĐT thì thu hồi giấy phép, đồng thời đặt vấn đề: “Trách nhiệm liên đới: cơ quan thuế là nơi cấp mã số thuế phải biết ai là người đến xin cấp mã số thuế và hằng quý, hằng tháng phải nhận được báo cáo thuế”.
BĐ Viet Phan cũng nêu ý kiến: “Trường hợp của anh H. và các trường hợp khác trong những loạt bài liên quan đến vấn đề này trên Báo Thanh Niên cho thấy, tuy việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khá dễ dàng, nhưng dần lộ ra những sơ hở “chết người”... Cơ quan chức năng cần phải hành động ngay, không để xảy ra thêm những hậu quả đáng tiếc”.

Chuyện khó tin nhưng vẫn xảy ra! Người này (anh T.H.Q.H, nhân vật trong bài báo - PV) còn biết tự tra cứu thông tin, còn những nạn nhân khác thì sao? Cơ quan nào cấp phép sao lại quá lơi lỏng trong việc xác minh thông tin? Ai sẽ chịu trách nhiệm bịt lại những kẽ hở? 

D.V.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.