Đôi vợ chồng ‘yêu nước chân thành nhất’

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
06/02/2019 14:00 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc là hình ảnh đẹp của những Việt kiều yêu nước, hình mẫu biểu tượng của những trí thức hết lòng vì sự phát triển của khoa học...

Đó là lời biểu dương của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành cho vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc trong chuyến làm việc tại Trung tâm quốc tế khoa học giáo dục liên ngành (ICISE, ở thành phố Quy Nhơn, Bình Định) vào tháng 5.2018.
Thủ tướng nói rằng vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam ở Pháp) và Lê Kim Ngọc (Chủ tịch Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp) là hình ảnh đẹp của những Việt kiều yêu nước, hình mẫu biểu tượng của những trí thức hết lòng vì sự phát triển của khoa học và tình yêu lớn đối với quê hương, đất nước.

Vì một Princeton của Việt Nam

Thấm thoắt đã 10 năm Hội Gặp gỡ Việt Nam bén duyên cùng mảnh đất Bình Định. Ngày 5.8.2008, vợ chồng Giáo sư Vân - Ngọc đã có cuộc gặp đầu tiên với ông Vũ Hoàng Hà, lúc này đang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, để trình bày ý tưởng xây dựng ICISE. 5 năm sau, ngày 12.8.2013, Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức khánh thành ICISE tại thành phố Quy Nhơn. Từ đó đến nay, ICISE đã tổ chức 40 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 16 trường hè khoa học chuyên đề, thu hút sự tham gia của hơn 3.500 nhà khoa học quốc tế, trong đó có 12 nhà khoa học đoạt giải Nobel, 2 nhà khoa học đoạt giải Fields, 2 giáo sư đoạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực thiên văn học)...
Tháng 7.2015, Tổ hợp không gian khoa học do Giáo sư Trần Thanh Vân và các cộng sự quốc tế sáng lập được khởi công xây dựng bên cạnh ICISE nhằm thu hút các tầng lớp nhân dân tìm đến khám phá khoa học, đặc biệt là trẻ em. Tiếp tục, vợ chồng ông lại đề xuất ý tưởng thành lập Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa.
Giáo sư Thanh Vân tâm sự rằng vợ chồng ông và các đồng sự quốc tế đang cùng với lãnh đạo tỉnh Bình Định nỗ lực để thực hiện giấc mơ xây dựng Quy Nhơn thành “Princeton của Việt Nam”. Princeton (ở bang New Jersey, Mỹ) là một thành phố nhỏ nhưng lại có Viện Nghiên cứu Princeton mà hiện nay không có viện nghiên cứu nào trên thế giới tốt hơn. Vợ chồng ông hy vọng từ lõi ban đầu là ICISE đến trung tâm khám phá khoa học, rồi các doanh nghiệp công nghệ, các viện nghiên cứu sẽ được hình thành để biến thung lũng Quy Hòa thành khu đô thị khoa học và giáo dục hoạt động hiệu quả đầu tiên của Việt Nam và thành phố Quy Nhơn, trở thành nơi hội tụ của các nhà khoa học trên thế giới.

Ân tình với các nhà khoa học

Ông Trần Thanh Sơn, Phó giám đốc Trung tâm ICISE, cho biết Giáo sư Vân luôn chú trọng đến các nhà khoa học trẻ, giúp họ có cơ hội phát triển. Có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel từng đến tham gia các hội nghị khoa học do Giáo sư Vân tổ chức. Trong đó có những người rất thân thiết với vợ chồng Giáo sư Vân như: Jack Steinberger (người Mỹ, giải Nobel Vật lý 1988), Jerome Isaac Friedman (người Mỹ, giải Nobel Vật lý năm 1990), Giáo sư Takaaki Kajita (người Nhật, Nobel Vật lý 2015)...
Những nhà khoa học quốc tế gốc Việt nổi tiếng như: Trịnh Xuân Thuận (Đại học Virginia, Mỹ), Lưu Lệ Hằng (Đại học Harvard và Phòng thí nghiệm Lincoln tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ), Đàm Thanh Sơn (Đại học Chicago), Ngô Bảo Châu (Đại học Chicago), Phạm Quang Hưng (Đại học Virginia)... cũng nhiều lần tham dự các chương trình Gặp gỡ Việt Nam và đánh giá rất cao đóng góp của vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân đối với nền khoa học Việt Nam.
Cũng xuất phát từ tình cảm với quê hương đất nước, vợ chồng Giáo sư Vân - Ngọc đã thuyết phục được Giáo sư Odon Vallet (người Pháp, đã dùng toàn bộ số tiền hơn 100 triệu euro được thừa hưởng từ gia tài của cha mình lập nên Quỹ học bổng Odon Vallet toàn cầu) dành cho Việt Nam 300 suất học bổng đầu tiên vào năm 2001. Suốt 18 năm qua, đã có hơn 33.000 học sinh, sinh viên Việt Nam được nhận học bổng từ Quỹ học bổng Odon Vallet với tổng kinh phí gần 250 tỉ đồng.

Từ bỏ cơ hội phát triển để đồng hành với chồng

Giáo sư Trần Thanh Vân (người gốc Quảng Bình) và Giáo sư Lê Kim Ngọc (quê ở Vĩnh Long, cùng 84 tuổi) từ Việt Nam du học tại Pháp khi còn tuổi thiếu niên. Hai người bắt đầu quen nhau trong quá trình làm luận án tiến sĩ và kết hôn vào năm 1961.
Giáo sư Trần Thanh Vân giảng dạy tại Đại học Paris 11 và là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS). Ông được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh (1999), được Viện Hàn lâm khoa học Nga bầu làm Viện sĩ danh dự, Viện Vật lý Mỹ trao Huy chương AIP Tate (2012) ghi nhận đóng góp của nhà vật lý nước ngoài (không phải người Mỹ) cho sự phát triển của cộng đồng vật lý thế giới...
Giáo sư Lê Kim Ngọc cũng công tác tại CNRS. Trong những năm 1970, Giáo sư Kim Ngọc gây chấn động giới khoa học với công trình “Lát mỏng tế bào” (Thin Cell Layer) được đánh giá là công trình tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật. Năm 1970, Giáo sư Ngọc sáng lập và làm Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam (tại Pháp). Hội đã xây dựng và bảo trợ cho trẻ em mồ côi ở 3 làng SOS Đà Lạt (từ năm 1974), SOS Huế (từ năm 2000) và SOS Đồng Hới (từ năm 2006). Tháng 9.2016, bà được Tổng thống Pháp Francois Hollande trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm Hội Gặp gỡ Việt Nam dừng chân tại Bình Định, trước khi bày tỏ sự tri ân đến lãnh đạo địa phương và bạn bè quốc tế, Giáo sư Vân đã nói lời cảm ơn người tri kỷ của mình trước tiên. “Để xây dựng được Trung tâm ICISE này, tôi phải cảm ơn người bạn đời của mình. Ngọc đã từ bỏ tất cả cơ hội để làm tốt hơn các công trình nghiên cứu sinh học của mình để đồng hành cùng chúng tôi, suy nghĩ cùng với chúng tôi để xây dựng ý tưởng, làm cho trung tâm này ngày càng tiến tới”, Giáo sư Vân nói.
Xây dựng đề án thành lập khu đô thị khoa học
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Tỉnh Bình Ðịnh đang xúc tiến xây dựng đề án thành lập khu đô thị khoa học với những cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút các dự án khoa học công nghệ. Tỉnh sẽ xúc tiến cùng Hội Gặp gỡ Việt Nam, ICISE xây dựng đề án thành lập một viện nghiên cứu độc lập - đây là ước mơ, trăn trở của vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc, cũng như của tỉnh. Việc hình thành một viện nghiên cứu độc lập sẽ tập hợp nhiều nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học thế giới, trong đó có những nhà khoa học đoạt các giải thưởng Nobel danh giá...”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.