Đổi phong cách 'giăng ngang', đèn đường TP.HCM có đẹp hơn dịp Giáng sinh, Tết?

24/12/2017 13:13 GMT+7

Trước một số ý kiến trên mạng xã hội 'chê' thiết kế đường đèn Trương Định, Phạm Ngọc Thạch "vẫn xấu", ông Võ Trọng Nam cho rằng có thể người xem chưa hiểu hết ý nghĩa của biểu tượng cách điệu trái tim "sánh đôi" ở đường Trương Định, biểu tượng hoa Cẩm Tú Cầu ở đường Phạm Ngọc Thạch.

Việc trang trí đường đèn mỗi dịp tết đến xuân về được TP.HCM tổ chức thực hiện từ hơn 10 năm trước. Ban đầu, đường đèn chỉ là những chùm đèn màu treo trên hàng cây ven đường khu vực trung tâm. Cứ sau mỗi năm, việc thực hiện đường đèn có những bước cải tiến. Những năm gần đây, đường đèn thường được thiết kế hình khối với ánh sáng đèn màu giăng ngang qua đường.
Dịp tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, TP.HCM lần đầu tiên tổ chức đấu thầu công khai để thực hiện 13 đường đèn, trong đó có các tuyến đường chính như Trường Sơn, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Ngọc Thạch…
Phong cách “đường đèn giăng ngang” cũng được “tỉa thưa” trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1)
Vào thời điểm đó, nhiều ý kiến chê một số đường đèn quá nhiều màu sắc sặc sỡ, hình khối rườm rà, không rõ ý nghĩa… Đặc biệt, việc thiết kế hình khối với ánh sáng đèn màu giăng ngang qua đường, dường như chỉ đẹp về ban đêm, còn ban ngày rất “rối mắt” bởi dây điện kéo ngang dọc.
Chưa kể, để các hình khối “băng” qua đường phía trên cao, buộc phải dựng các dãy trụ đứng, neo dây chằng trên vỉa hè. Theo đó, cũng có ý kiến than phiền vì cản lối đi của người đi bộ, đặc biệt là những người đi bộ tập thể dục vào sáng sớm.
Dịp gần tết Mậu Tuất năm nay, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, phong cách “đường đèn giăng ngang”không còn xuất hiện đậm đặc như những năm trước. Thay vào đó là những trụ đứng hình khối trang trí đèn màu được cách điệu tùy theo từng tuyến đường. Việc thay đổi thiết kế này cơ bản đã tránh được cảnh “rối mắt” của đường đèn vào ban ngày của những năm trước đó.
Người dân chụp hình trụ đứng hình khối trang trí đèn màu được cách điệu với tòa tháp Bitexco (phía góc phải ảnh) - một trong những biểu tượng của phát triển đô thị hiện đại ở TP.HCM
Sáng nay 24.12, ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, cho biết theo kế hoạch tết Mậu Tuất năm nay sẽ có 14 tuyến đường được chọn làm đường đèn (hơn tết Đinh Dậu 1 đường đèn). Tuy nhiên, đến thời điểm này đã thực hiện cơ bản hoàn chỉnh trên một số tuyến: Lê Duẩn, Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng, Phạm Ngọc Thạch, Trương Định...
"Mỗi đường đèn có một thiết kế với ý nghĩa riêng, và nhìn chung năm nay thiết kế gọn, đẹp hơn các năm trước", ông Võ Trọng Nam nhìn nhận.
Trước một số ý kiến trên mạng xã hội chê thiết kế đường đèn Trương Định, Phạm Ngọc Thạch "vẫn xấu", ông Võ Trọng Nam cho rằng có thể người xem chưa hiểu hết ý nghĩa của biểu tượng cách điệu trái tim "sánh đôi" ở đường Trương Định, và biểu tượng hoa Cẩm Tú Cầu trẻ trung ở đường Phạm Ngọc Thạch.
Theo ông Võ Trọng Nam, lễ hội xuân năm nay của TP.HCM đều hướng đến chủ đề chung "Khát vọng vươn cao". Ở khu vực công viên Tao Đàn còn có hội hoa xuân vào dịp tết, cũng trùng với dịp Ngày Valentine 14.2, do vậy khi thiết kế đường đèn Trương Định, ban tổ chức đã chọn biểu tượng cách điệu hình trái tim "sánh đôi" mềm mại, thể hiện tình yêu thương, gắn bó của lứa đôi.
Những trụ đứng hình khối trang trí đèn màu được cách điệu ở Công trường Mê Linh (Q.1) trở thành điểm chụp hình lưu niệm của người dân mùa Giáng sinh
Trong khi đó, khu vực đường Phạm Ngọc Thạch gần Hồ Con Rùa và nhà thờ Đức Bà, công viên 30.4, trung tâm thương mại lớn..., thường có đông giới trẻ đến vui chơi nên hình ảnh từ những loại hoa gắn liền với tuổi trẻ, với khát vọng vươn cao sẽ góp phần thể hiện sự tươi sáng, sinh động, trẻ trung hơn...
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thành phố luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến góp ý của người dân, giới chuyên môn trong việc thực hiện đường đèn để điều chỉnh, và qua mỗi năm có được thiết kế phù hợp, đẹp mắt hơn.
Đường đèn Phạm Ngọc Thạch (Q.1) dịp tết Đinh Dậu 2017 bị chê quá nhiều màu sắc sặc sỡ, năm nay được thiết kế những cụm đèn màu cách điệu hình ảnh hoa Cẩm Tú Cầu khá lạ mắt
Theo bà Nguyễn Thị Thu, việc thực hiện đường đèn đã trở thành hoạt động thường niên mỗi dịp tết đến xuân về. Từ kinh phí xã hội hóa, năm nay nhiều tuyến phố trung tâm Sài Gòn không những rực sáng đường đèn mà ngân sách còn thu được hơn 22 tỉ đồng để phục vụ các hoạt động văn hóa của thành phố trong năm 2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.