Doanh nghiệp nước ngoài ngại đưa tranh chấp ra tòa án Việt Nam

01/12/2014 19:54 GMT+7

(TNO) Các nhà đầu tư nước ngoài thường tránh đưa các tranh chấp ra tòa án Việt Nam do quan ngại về sự độc lập của các thẩm phán . Nhận định này được Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đưa ra hôm nay 1.12, tại “Sách Trắng 2015” về các vấn đề thương mại, đầu tư tại Việt Nam.

>> ‘Sách Trắng’ báo động đỏ về nhân lực VN
>> Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - Kỳ 5: Độ chênh của lịch sử trong Sách trắng Trung Quốc
>> Việt Nam công bố sách trắng về nhân quyền
>> Chủ ý của Sách trắng

“Sách Trắng 2015” tóm tắt các vấn đề then chốt của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

Theo báo cáo này, một trong những lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài tránh đưa các tranh chấp ra tòa án Việt Nam là do quan ngại về sự độc lập của các thẩm phán, một vấn đề mà Việt Nam thường bị đánh giá tương đối thấp trong các nghiên cứu so sánh quốc tế.

 euro-cham
Các đại diện của EuroCham tại công bố về "Sách trắng 2015" - Ảnh: Trường Sơn

Báo cáo này cho hay, mặc dù hệ thống tư pháp của Việt Nam đã đạt được những tiến bộ từ 20 năm trở lại đây, song vẫn còn nhiều việc cần phải làm để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong các thủ tục tố tụng của tòa án Việt Nam.

Báo cáo của EuroCham cho biết các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có xu hướng tránh giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh tại các tòa án Việt Nam và thường thỏa thuận trong hợp đồng về việc giải quyết tranh chấp bằng cơ chế trọng tài.

Báo cáo dẫn lời bà Viviane Reding, Ủy viên về Tư pháp Các quyền cơ bản và Quyền công dân của Liên minh châu Âu cho biết: “Một hệ thống tư pháp độc lập và hiệu quả chắc chắn sẽ giúp nâng cao sức hấp dẫn của một quốc gia, với tư cách điểm đến đầu tư và kinh doanh”.

Theo EuroCham, có nhiều việc có thể làm để cải thiện hệ thống tư pháp của Việt Nam và để tăng cường sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các tòa án Việt Nam. Tổ chức này đề xuất có thêm các hoạt động đào tạo về tư pháp, dựa trên những thực tiễn tốt từ nước ngoài và với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chức năng của các thẩm phán cần được giám sát và đánh giá, tăng cường đào tạo nếu cần thiết, nhằm cải thiện tốc độ và chất lượng của các hoạt động tư pháp.

EuroCham ghi nhận những cố gắng gần đây của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai các cải cách về tư pháp dựa trên Chiến lược Cải cách tư pháp đến 2020 nhưng cho rằng, còn nhiều lĩnh vực có thể tiếp tục cải thiện.

Một ví dụ được nêu ra trong báo cáo là Tòa án nhân dân Tối cao cần có thêm các hướng dẫn cho các tòa án cấp dưới về cách thức giải quyết các vụ việc mới phức tạp. Việc làm này nhằm đảm bảo tính thống nhất trong các phán quyết của các tòa án, đồng thời góp phần đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các nhà đầu tư.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.