Doanh nghiệp nhà nước chỉ định thầu sai quy định tràn lan

28/05/2018 09:37 GMT+7

Đoàn giám sát của Quốc hội vừa báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Nhiều vi phạm hậu quả nặng nề
Bên cạnh ghi nhận những đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước với phát triển kinh tế - xã hội đất nước, báo cáo đồng thời chỉ ra khá nhiều sai phạm. Theo đó, giám sát qua báo cáo và làm việc trực tiếp của Đoàn giám sát với Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cho thấy, các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở 4 vấn đề: vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh, vi phạm nguyên tắc thị trường, vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính.
Đáng chú ý, báo cáo nhấn mạnh, một số vi phạm để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ.
Báo cáo chỉ ra rằng, một số doanh nghiệp nhà nước thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, mua sắm tài sản không đúng quy định của Nhà nước. Ví dụ điển hình là tại Tập đoàn Hoá chất (Vinachem), một số đơn vị mua sắm tài sản chưa tuân thủ quy định của luật Đấu thầu như: không lập, thẩm định, phê duyệt dự toán công trình, lập hồ sơ mời thầu không chặt chẽ, mua sắm không nằm trong kế hoạch đầu tư xây dựng, không thực hiện đấu thầu đối với gói thầu bắt buộc phải đấu thầu...
Hay tại Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng chưa đúng quy định; công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư còn phải điều chỉnh tổng mức đầu tư; công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thiết kế, dự toán còn có dự án chưa phù hợp, tính khối lượng không phù hợp với thiết kế bản vẽ thi công làm tăng giá trị dự toán, tăng giá trị hợp đồng.
Đặc biệt, tình trạng chỉ định thầu của các dự án đầu tư được thống kê là "khá phổ biến": Tập đoàn Dầu khí áp dụng hình thức chỉ định thầu tại dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khi chưa bảo đảm điều kiện theo Nghị định số 58 của Chính phủ với gói thầu EPC; Công ty Xăng dầu Khu vực 2 có 23 gói thầu giá trị dự toán trên 5 tỉ đồng/gói nhưng Tập đoàn Xăng dầu phê duyệt lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu là chưa đúng với quy định Nghị định số 85/2009/NĐ-CP; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam chỉ định thầu nhưng không tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt dự toán (Công ty TNHH Liên doanh Philip Morris và Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long), chỉ định thầu cho đơn vị thi công không đủ năng lực (Công ty Thuốc lá Thanh Hóa).
Nhiều sai phạm do trình độ quản lý kém
Bên cạnh đó, các sai phạm do trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém dẫn đến vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế; huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dàn trải, tùy tiện, đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp không đúng quy định, góp vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả, một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao.
Tiêu biểu là Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản (TKV) đầu tư ra nước ngoài không có hiệu quả, dẫn đến có khả năng bị thiệt hại 363,3 tỉ đồng; hay PVN đầu tư vào Oceanbank có giá trị đầu tư vốn 800 tỉ đồng hiện chỉ còn 0 đồng. Một ví dụ khác là tính đến ngày 30.11.2015; Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) có số dư đầu tư chứng khoán kinh doanh và đầu tư tài chính dài hạn là 2.053 tỉ đồng, trích lập dự phòng 200,2 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 9,75%)…
Cùng với đó, hoạt động đầu tư tài chính vi phạm nghiêm trọng gây mất vốn hoặc thiệt hại lớn… Đáng kể trong số này là việc đầu tư tài chính dài hạn của Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) vào 5 công ty (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP phân đạm và hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP - Vinachem, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem, Công ty TNHH Hóa chất và muối mỏ Việt Lào) với tổng vốn đầu tư là hơn 6.836 tỉ đồng, chiếm 53,8% tổng vốn đầu tư tài chính, đang tiềm ẩn nguy cơ khó thu hồi vốn.
Cùng với đó, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa chấp hành nghiêm túc, không đầy đủ và chưa kịp thời chế độ báo cáo đối với đề án tái cơ cấu cũng như phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn. Đó là trường hợp của Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản (TKV) khi chưa có lộ trình thoái vốn đầu tư tại Công ty CP nhiệt điện Cẩm Phả, Công ty CP Than Mông Dương, Cọc Sáu, Đèo Nai, Cao Sơn.
Hay trường hợp Tập đoàn Xăng dầu chưa xây dựng đề án thành lập Tổng công ty xây lắp xăng dầu Petrolimex và Tổng công ty dịch vụ xăng dầu Petrolimex. Tổng công ty thuốc lá đến thời điểm 31.12.2015 chưa thực hiện được một số nội dung tái cơ cấu danh mục, ngành nghề kinh doanh; chưa sáp nhập mảng sản xuất, kinh doanh nguyên liệu của Công ty thuốc lá Bến Tre với Công ty CP Hòa Việt, chưa thoái được vốn tại Công ty CP thương mại Vinawa, Công ty CP thương mại và đầu tư Vinataba…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.