Doanh nghiệp đối mặt phá sản vì xử án bất nhất của tòa

12/09/2016 10:00 GMT+7

Một vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) kéo dài gần 9 năm với 6 phiên tòa xét xử và chưa có dấu hiệu dừng lại gây bức xúc, mệt mỏi cho nguyên đơn, bị đơn và những người liên quan.

Những ngày gần đây, Công ty TNHH Thương mại Hồng Lan (Công ty Hồng Lan) có trụ sở tại Q.Đống Đa, TP.Hà Nội đã huy động nhiều cán bộ chủ chốt tạm ngừng việc để đi gửi đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng về phán quyết của TAND Q.Tây Hồ, mà doanh nghiệp này là đương sự.
Buộc bồi thường hơn 3 triệu USD cho hợp đồng không ký
Trước đó, ngày 12.8, TAND Q.Tây Hồ xét xử vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa nguyên đơn là bà Lưu Hoàng Anh - ông Phạm Xuân Mừng, ngụ ở Q.Đống Đa, Hà Nội và bị đơn là ông Trần Văn Thơm, nguyên cán bộ Công an Q.Tây Hồ, Hà Nội. Công ty Hồng Lan là pháp nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Năm 2004, Công ty Hồng Lan ký hợp đồng kinh tế số 18 chuyển nhượng thửa đất số 32 và số 33 với diện tích 431 m2 tại khu Vườn Đào, P.Phú Thượng, Q.Tây Hồ cho ông Trần Văn Thơm với giá 12,1 tỉ đồng. Sau đó do kẹt tiền thanh toán, ông Thơm đã ký một hợp đồng khác chuyển nhượng 2 lô đất trên cho bà Hoàng Anh với giá 13 tỉ đồng để hưởng khoản chênh lệnh hơn 761 triệu. Do ông Thơm không thực hiện thanh toán đúng thời hạn nên Công ty Hồng Lan hủy hợp đồng chuyển nhượng. Bà Lưu Hoàng Anh không lấy được đất nên đã khởi kiện ông Thơm ra TAND Q.Tây Hồ, yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng, nếu không sẽ phải bồi thường thiệt hại.
TAND Q.Tây Hồ phán quyết trong vụ án này có 2 hợp đồng được giao kết bằng văn bản, ông Thơm và bà Hoàng Anh đã thực hiện xong nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng nhưng Công ty Hồng Lan không thực hiện nghĩa vụ chuyển nhượng, khiến cho các giao dịch bị vô hiệu. Từ đó, TAND Q.Tây Hồ buộc Công ty Hồng Lan phải bồi thường thiệt hại cho bị đơn hơn 65 tỉ đồng.
Cho rằng phán quyết của TAND Q.Tây Hồ vô lý, Công ty Hồng Lan đã kháng cáo.
Ông Vũ Thế Lợi, Phó giám đốc Công ty Hồng Lan cho biết, từ năm 2007, vợ chồng bà Hoàng Anh đã đến công ty này nộp tiền nhưng Công ty không nhận. Sau đó, bà Hoàng Anh tự ý chuyển tiền vào tài khoản công ty, nhưng các khoản tiền này đã trả lại vào tài khoản người nộp. “Chúng tôi không thể đi bồi thường cho một hợp đồng mà mình không có giao kết. Phán quyết của tòa án Q.Tây Hồ đang đẩy doanh nghiệp vào tình trạng phá sản, hàng chục cán bộ công nhân viên mất công ăn việc làm”, ông Lợi bức xúc.
“Kỳ án” 9 năm
Tính cả phiên xử mới đây của TAND.Q Tây Hồ, vụ tranh chấp trên đã trải qua 6 phiên xét xử, trong 9 năm. Mỗi phiên xử lại ra một kết quả khác nhau. Năm 2010, TAND Q.Tây Hồ tuyên 2 hợp đồng giữa các bên liên quan là giao dịch dân sự vô hiệu, buộc ông Trần Văn Thơm trả lại hơn 761 triệu đồng cho vợ chồng bà Hoàng Anh, buộc Công ty Hồng Lan bồi thường cho vợ chồng bà Hoàng Anh 44,4 tỉ đồng. Cuối năm 2010, tòa phúc thẩm TAND TP.Hà Nội đã tuyên hủy án để xét xử lại.
Tháng 9.2011, TAND Q.Tây Hồ tiếp tục tuyên hủy 2 hợp đồng trên, buộc Công ty Hồng Lan bồi thường thiệt hại do lỗi làm hợp đồng vô hiệu 121,6 tỉ đồng; buộc ông Trần Văn Thơm trả cho vợ chồng bà Hoàng Anh hơn 8,5 tỉ đồng, gồm khoản tiền chênh lệch và bồi thường thiệt hại. Tại bản án phúc thẩm vào cuối năm 2011, TAND TP.Hà Nội tuyên y án. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, Hội đồng giám đốc thẩm TAND tối cao đã ra quyết định Giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm để xét xử lại.
Đáng chú ý, phán quyết của TAND tối cao lưu ý cấp sơ thẩm và phúc thẩm khi xét xử lại cần xác định vụ án này có 2 mối quan hệ pháp luật, là 2 hợp đồng, để làm rõ vai trò của các bên liên quan. TAND tối cao xác định, giữa Công ty Hồng Lan và bà Hoàng Anh không ký hợp đồng chuyển nhượng với nhau nên giữa 2 bên không phát sinh quyền và nghĩa vụ theo quy định của bộ luật Dân sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.