‘Doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vắc xin thì đều có thể nhập khẩu’

Chí Hiếu
Chí Hiếu
31/05/2021 19:22 GMT+7

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định “không để bất kỳ tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vắc xin ngay mà lại không mua về được”.

Chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 hôm nay, 31.5, để nghe Bộ Y tế báo cáo về tình hình, tiến độ nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh “không để bất kỳ tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vắc xin ngay mà lại không mua về được”.

"Bộ Y tế không độc quyền nhập khẩu vắc xin"

Theo Bộ Y tế, cơ quan này đã liên tục có hàng chục cuộc tiếp xúc, đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin cũng như cơ quan y tế, đại diện ngoại giao các nước có sản xuất vắc xin nhằm tranh thủ mọi khả năng, nguồn lực để có vắc xin sớm nhất, phấn đấu cuối năm 2021 sẽ có miễn dịch cộng đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, mặc dù hiện nay tình trạng khan hiếm vắc xin trên thế giới vẫn căng thẳng nhưng với các thỏa thuận đã đạt được, “mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 trong năm 2021 là rất khả thi”.
Theo ông Long, Bộ Y tế được giao là đầu mối nhập khẩu vắc xin nhưng không có nghĩa là Bộ “độc quyền” nhập khẩu, mà Bộ luôn khuyến khích tất cả các địa phương, các doanh nghiệp có điều kiện, khả năng tiếp cận các nguồn vắc xin đều có thể nhập khẩu.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng một lần nữa cảnh báo tình trạng “lừa đảo vắc xin” khi nhiều tổ chức, cá nhân tự giới thiệu là đại diện được ủy quyền của các nhà sản xuất vắc xin để chào bán, nhưng khi Bộ Y tế liên hệ thì các nhà sản xuất vắc xin đều khẳng định là không đúng sự thật.
Theo quy định hiện hành, chỉ các công ty có chức năng nhập khẩu, kinh doanh vắc xin mới được nhập khẩu vắc xin. Hiện, nước ta có 27 đơn vị có chức năng này. Các đơn vị có điều kiện tiếp cận nguồn cung vắc xin hoàn toàn có thể trực tiếp làm việc với Bộ Y tế hoặc với một trong số 27 đơn vị này.
Các vắc xin phải được Bộ Y tế cấp phép, cấp số đăng ký và các lô phải có hồ sơ chứng thực xuất xứ, chất lượng. Hiện, Bộ Y tế đã cấp phép cho 2 loại vắc xin của Astra Zeneca và Sputnik V và đang xem xét hồ sơ đối với 2 loại khác. Việc cấp phép phụ thuộc vào nhà sản xuất, nhà cung cấp vắc xin có nhu cầu, có gửi hồ sơ đề nghị cấp phép hay không và chất lượng hồ sơ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cần công khai chủ trương tất cả các vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam cũng vẫn được tiến hành nhập khẩu. Đối với những vắc xin Tổ chức Y tế thế giới chưa cấp phép nhưng đã được các nước cấp phép sử dụng thì khi có đơn vị nào tiếp cận được, Bộ Y tế cũng tiến hành cấp phép ngay.
“Nhất thiết không để bất kỳ doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vắc xin ngay mà lại không mua về được”, Phó thủ tướng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ hoàn toàn đồng tình và khẳng định: “Bộ sẽ xử lý ngay khi có hồ sơ và nếu hợp lệ thì tối đa 5 ngày làm việc là cấp phép được”.
Bộ Y tế cũng khẳng định, tất cả các lô vắc xin dù đơn vị nào nhập khẩu nhưng có hồ sơ chứng nhận xuất xứ, chất lượng thì đều được Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống y tế tổ chức tiêm.
Đối với hồ sơ chứng nhận xuất xứ, chất lượng, Phó thủ tướng lưu ý Bộ Y tế quan tâm đến tình huống các doanh nghiệp, hiệp hội qua các mối quan hệ đối tác có thể nhập được một lượng vắc xin không lớn nên khó có đủ bộ hồ sơ từ nhà sản xuất.
Bộ Y tế cam kết sẽ hướng dẫn, xử lý từng trường hợp một cách thuận lợi và nhanh nhất, nếu nhận được đề nghị.

Sẽ ưu tiên người lao động của doanh nghiệp đóng góp cho Quỹ vắc xin?

Một vấn đề được cuộc họp thảo luận là nhiều doanh nghiệp, hiệp hội tham gia tài trợ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 và mong muốn các nhân viên của doanh nghiệp, hiệp hội mình được ưu tiên tiêm trước.
Đại diện Bộ Y tế chia sẻ rằng, doanh nghiệp tài trợ kinh phí đủ để mua hàng trăm ngàn liều vắc xin và chỉ mong được tiêm cho mấy trăm nhân viên mà không được thì không hợp lý.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam luôn tuân thủ nguyên tắc công bằng tiếp cận vắc xin chống Covid-19 của Liên Hợp Quốc và hoàn toàn có thể giải quyết được đề nghị, mong muốn chính đáng của các doanh nghiệp, các hiệp hội.
"Những người các doanh nghiệp, các hiệp hội muốn được ưu tiên là những ai? Họ chính là người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường, trong các ngân hàng, khách sạn, các địa điểm tiếp xúc với nhiều người hay phải làm việc trong môi trường kín… Đây cũng là những đối tượng rủi ro cao.
Vừa qua Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo đưa người lao động trong các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp vào diện khai báo y tế bắt buộc. Tới đây, sẽ tiếp tục yêu cầu thêm các đối tượng khác. Tất cả các đối tượng đã được yêu cầu khai báo y tế đương nhiên thuộc diện ưu tiên tiêm vắc xin trước”, Phó thủ tướng bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.