Doanh nghiệp bị tố khai thác vàng lậu

Mạnh Cường
Mạnh Cường
21/07/2021 06:12 GMT+7

Dù địa phương đã yêu cầu dừng hoạt động, nhưng một công ty khoáng sản bị tố vẫn lén lút khai thác, thậm chí mua lại đất rừng giao cho người dân sản xuất để đào vàng. Trong khi đó, công ty lại bác bỏ...

Dù bị UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu dừng mọi hoạt động chế biến, ngâm ủ xái quặng tận thu vàng trên địa bàn xã Tam Lãnh (H.Phú Ninh) vì vi phạm môi trường, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 (gọi tắt là Công ty 6666) vẫn lén lút hoạt động.

Bất chấp lệnh cấm

Bà N.T.P (64 tuổi, ở thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh) bức xúc: “Đêm ngày gì họ đều lén lút làm hết. Vì họ làm bằng hóa chất nên rất ô nhiễm. Điều đáng nói, khi lọc tách vàng xong, lợi dụng trời mưa, họ thải hết ra môi trường gây ô nhiễm các sông suối, nguồn đất. Nước tại các con suối, dân không dám cho trâu bò uống”. Bà P. còn thắc mắc bởi đây không phải là lần đầu tiên công ty này lén lút hoạt động. “Trước đó, rất nhiều lần công an kiểm tra và phát hiện. Người dân chúng tôi thấy công an dẹp hoài, mà không hiểu sao họ vẫn hoạt động được”, bà nói.
Theo UBND H.Phú Ninh, hôm 26.6 vừa qua, chính quyền huyện kiểm tra, truy quét “vàng tặc” trên địa bàn xã Tam Lãnh và phát hiện Công ty 6666 đang xây dựng 4 ô để ngâm ủ, chế biến tận thu kim loại vàng từ quặng thải đuôi đã tập kết trong khuôn viên nhà máy. Trong đó, 3 ô đang ngâm ủ quặng để thu vàng với kích thước mỗi ô là 100 m2; ô còn lại đang phủ bạt để chuẩn bị đưa quặng vào tiếp tục chế biến tận thu vàng. Tại thời điểm kiểm tra, có 10 công nhân đang làm việc.
Doanh nghiệp bị tố khai thác vàng lậu1

Bên trong xưởng chế biến, ngâm ủ xái quặng của Công ty 6666

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, nhìn nhận việc Công ty 6666 lén lút hoạt động gây bức xúc cho người dân trong thời gian dài. “Nhận tin báo của người dân, địa phương lập đoàn kiểm tra và lập biên bản đề nghị cấp trên xử lý bởi việc này không thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương”, ông Vinh nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết sau khi nắm thông tin Công ty 6666 bất chấp lệnh cấm vẫn lén lút hoạt động, ông đã đi kiểm tra hiện trường. “Hiện nay tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT tham mưu văn bản cho UBND tỉnh, trên tinh thần xử lý nghiêm, không để những trường hợp lén lút kiểu này xảy ra nữa. Tỉnh sẽ chỉ đạo lập đoàn thanh tra khu vực nhà máy nơi công ty này hoạt động chế biến, ngâm ủ xái quặng”, ông Bửu khẳng định.
Từ tháng 4.2017, Bộ TN-MT đã có công văn đình chỉ hoạt động đối với Công ty 6666. Tiếp đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng có nhiều công văn với nội dung tương tự, kéo dài trong các năm từ 2016 - 2020. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên hôm 16.7, khu vực nhà máy chế biến, ngâm ủ xái quặng của Công ty 6666 đóng cửa, nhưng bên trong có nhiều hồ với diện tích khá lớn đã được đào sẵn để phục vụ cho việc chế biến, ngâm ủ xái quặng.

Nghi vấn mua đất rừng để… đào vàng

Điều đáng nói, Công ty 6666 còn bị nghi vấn mua đất rừng được giao cho người dân sản xuất tại khu vực Thác Trắng (thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh) để dựng lán trại kiên cố, đưa người vào khai thác vàng trái phép tại đây.
Doanh nghiệp bị tố khai thác vàng lậu2

Những hố chế biến, ngâm ủ xái quặng ở Công ty 6666 do công nhân đào sẵn

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Ông Nguyễn Thế Vinh cho hay khoảng 2 tháng trở lại đây, Công ty 6666 mua lại đất rừng giao cho dân sản xuất, cho người vào khai thác vàng trái phép khoảng 1 tháng. Ông H.N.H (một người dân ở thôn Bồng Miêu) cũng khẳng định khu vực Thác Trắng hiện đang như một “công xưởng” làm vàng trái phép. “Ngoài các bãi vàng của người dân thì cũng có một bãi khai thác vàng quy mô lớn của doanh nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động. Người chủ này mua hẳn đất rừng giao cho người dân rồi cho người vào cày xới để đào vàng”, ông H. bức xúc.
Ông Trần Quốc Danh, Phó chủ tịch UBND H.Phú Ninh, cho biết nhà xưởng của Công ty 6666 bao bọc xung quanh là thép gai, thường xuyên đóng kín cửa nên việc vào kiểm tra gặp nhiều khó khăn. “Sau khi kiểm tra phát hiện doanh nghiệp này vẫn lén lút khai thác quặng trái phép ở xưởng chế biến tận thu tại nhà máy ở thôn Bồng Miêu, UBND H.Phú Ninh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT chủ trì, phối hợp các sở ngành kiểm tra lập hồ sơ để thu hồi giấy phép và chấm dứt hoạt động”, ông Danh nói.
Theo ông Danh, hiện nay nhiều đối tượng đã lấn chiếm, sử dụng rừng sai mục đích tại khu vực Thác Trắng để khai thác vàng trái phép. Đầu nguồn Thác Trắng từng được Bộ TN-MT thẩm định và đánh giá là khu vực có lượng trữ vàng lớn. Khu vực này tồn tại khoảng 5 bãi khai thác vàng trái phép và trở nên nhức nhối trong một thời gian dài. Mới đây, các ngành chức năng của huyện cũng đã truy quét, đẩy đuổi và phá nhiều lán trại.
Ông Danh cũng nêu trường hợp ông Trương Quốc Sỹ, Giám đốc Công ty 6666, đã đứng ra mua khoảng 18 ha đất rừng được giao cho một số người dân (mua giấy viết tay) tại khu vực đầu nguồn Thác Trắng rồi đưa máy móc cơ giới, xây dựng lán trại kiên cố rộng khoảng 300 m2, cho người vào khai thác vàng trái phép. Lực lượng chức năng của huyện đã yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ lán trại, phá máy móc và đưa xe cơ giới ra khỏi khu vực này…
Trước mắt, theo ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chính quyền địa phương đã có văn bản yêu cầu Công an H.Phú Ninh tăng cường quản lý chặt việc khai thác vàng trái phép tại Bồng Miêu.
Doanh nghiệp nói có sự hiểu lầm (!?)
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 20.7, ông Trương Quốc Sỹ cho biết việc người dân và chính quyền địa phương cho rằng công ty lén lút hoạt động là “không đúng” và “không khách quan”. “Thời điểm đoàn kiểm tra đi truy quét vàng tặc tại Bồng Miêu, khi đi qua nhà máy thì thấy công nhân của công ty đang san gạt lại đất để trồng cây keo nhưng không vào kiểm tra, nghi công ty đang hoạt động chế biến, ngâm ủ xái quặng. Những hồ ngâm xái quặng mà huyện báo cáo tỉnh là hồ cũ ngày xưa. Huyện có sự hiểu lầm”, ông Sỹ nói.
Theo ông Sỹ, công ty đã có văn bản phản hồi, gửi UBND tỉnh báo cáo nội dung công ty đang thực hiện theo chỉ đạo (khắc phục môi trường và san gạt trồng cây). Ông Sỹ cũng bác bỏ thông tin mà địa phương và người dân phản ánh rằng công ty mua 18 ha đất rừng giao cho dân để khai thác vàng trái phép. “Khu đất này cá nhân nào đó mua để trồng cây keo, cây ăn quả chứ không có chuyện khai thác vàng. Khu vực Thác Trắng toàn do người dân làm chứ công ty không ai dám vào làm đâu. Công ty chúng tôi không có tham gia gì trong khu vực Thác Trắng này cả”, ông Sỹ khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.