Đổ 'chất thải' khi làm dự án điện: Cần tham vấn cộng đồng

05/05/2017 11:52 GMT+7

Thời gian gần đây, thông tin Tập đoàn Điện lực VN (EVN) 'xin đổ, muốn đổ 3,5 triệu m 3 chất thải vào Quảng Bình, ra vịnh Hòn La' đã khiến nhiều người quan tâm, thậm chí lo lắng.

Vậy “chất thải” ấy là loại gì và tác động đến môi trường ra sao?
Đất tự nhiên và bùn, cát
Dự án Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch (ở xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch) vốn do Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng vào năm 2011 nhưng sau đó bị dừng; năm 2016 dự án được chuyển giao cho EVN tiếp tục đầu tư.
Sau khi tiếp nhận, EVN đang tiến hành các bước thủ tục theo quy định. Đầu tháng 4.2017, EVN làm công văn đề nghị tỉnh giới thiệu 2 “địa điểm bãi thải”, 1 trên đất liền và 1 trên biển.

tin liên quan

Tìm bãi thải phục vụ thi công Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1
Ngày 24.4, tin từ UBND tỉnh Quảng Bình cho hay đã có công văn gửi các ban, ngành và UBND H.Quảng Trạch yêu cầu phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ Ban Quản lý dự án nhiệt điện 2 thực hiện công tác điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Trung tâm điện lực Quảng Trạch, đảm bảo tiến độ theo cam kết giữa Tập đoàn điện lực VN (EVN) với UBND tỉnh Quảng Bình. Trong đó, có việc tìm bãi thải phục vụ thi công nhà máy.
Làm việc với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thành Vinh - Phó trưởng phòng kỹ thuật của Ban quản lý dự án nhiệt điện 2 cho biết Ban quản lý có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Bình về việc hỗ trợ chủ đầu tư và đơn vị tư vấn trong công tác hiệu chỉnh dự án. Trong đó, đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ giới thiệu vị trí cho chủ đầu tư, Liên doanh tư vấn IE-PVE-TEDIPORT tiến hành khảo sát, đánh giá để lập quy hoạch và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các bãi chứa đổ đất thừa, đất thải hữu cơ trên bờ, phục vụ thi công san lấp mặt bằng và vị trí đổ cát nạo vét trên biển, phục vụ thi công xây dựng cảng chuyên dụng.
Mặc dù khoảng 3,5 triệu m3 đất, cát thải đó nguyên bản không có hại nhưng cũng cần phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, quy tắc; cần tiến hành thăm dò hiện trạng điểm đổ, quy hoạch và đánh giá tác động môi trường nếu không sẽ hủy hoại môi trường ở bãi đổ.
Theo Nghị định thư London

Cụ thể, theo ông Vinh, các loại bùn, cát tự nhiên được nạo vét từ đáy biển (cát từ biển có thể dùng để san lấp, tôn tạo mặt bằng) với khối lượng dự kiến khoảng 2,5 triệu m3. Đất thừa, đất thải hữu cơ trên bờ bao gồm: phần đất bóc hữu cơ (đây là lớp đất màu có thể dùng để hoàn trả mặt bằng, cải tạo cho các công trình khai thác vật liệu xây dựng, cải tạo đất để trồng cây cối, hoa màu); phần đất thừa từ đào hố móng công trình, thi công xây dựng bãi thải xỉ với khối lượng dự kiến khoảng 1 triệu m3. “Các loại đất thừa, đất hưu cơ và cát biển này phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6696:2009 về chất thải rắn - bãi chôn lấp hợp vệ sinh - yêu cầu chung về bảo vệ môi trường”, ông Vinh khẳng định.
Trong khi đó, từ trước nay chưa thấy yếu tố độc hại xuất hiện trong đất tự nhiên tại Vĩnh Sơn; lâu nay người dân vẫn sinh sống, canh tác trên đất đó. Nếu dự án nhỏ, khối lượng tách bóc nhỏ thì “nguồn ra” của đất thừa rất dễ, có thể dùng san lấp mặt bằng hoặc để sản xuất. Tuy nhiên, với khối lượng lớn như thế nên khó có nhu cầu nào cần hết toàn bộ. Theo đánh giá của một cán bộ có chuyên môn, đất tự nhiên trên đất liền sẽ mang đổ trên đất liền, đất dưới biển cũng mang đổ dưới biển; ở đây chỉ có sự thay đổi về vị trí chứ môi trường không hề thay đổi.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, thực chất việc nạo vét làm cảng than nó tương tự như các dự án nạo vét cải tạo luồng lạch; khối lượng nạo vét ở vùng bồi lấp sẽ được mang đi đổ ở một vị trí khác trên sông hoặc biển mà đáp ứng các tiêu chí, không làm ảnh hưởng gì đến môi trường, luồng lạch. Trên thế giới cũng như ở VN, việc nhận chìm chất thải, nhận chìm vật liệu nạo vét tại các cảng biển, luồng lạch xuống biển vẫn được thực hiện.
Cần thăm dò và tham vấn
Theo Nghị định thư London (Nghị định thư về Công ước ngăn ngừa ô nhiễm đối với việc nhận chìm chất thải và các chất khác trên biển được các nước thông qua vào năm 1996, hiệu lực vào năm 2006), vật liệu nạo vét và bùn thải là 2 trong số 8 chất được phép nhận chìm. Nghị định cũng nhấn mạnh đến giải pháp phòng ngừa, cụ thể là các biện pháp phòng ngừa thích hợp phải được thực hiện chặt chẽ khi nhận chìm, ngay cả khi chưa có bằng chứng thuyết phục chứng minh ảnh hưởng của việc nhận chìm tác động đến môi trường. Đồng thời, khẳng định về nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí môi trường.
Tại VN, trước đây đã có một số điều luật, quy định việc nhận chìm trên biển; tuy nhiên không chi tiết, cụ thể. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (có hiệu lực từ ngày 1.7.2016) và Nghị định số 40/2016/NĐ-CP đã quy định chi tiết thi hành một số điều của luật như yêu cầu đối với việc nhận chìm; vật chất được nhận chìm ở biển; giấy phép nhận chìm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép nhận chìm; kiểm soát hoạt động nhận chìm... Vì vậy, phương án nhận chìm sẽ được chặt chẽ hơn.
Trong 2,5 triệu khối đất thừa, có nhiều diện tích đất nông nghiệp Ảnh: T.Q.N
Nghị định thư London nhấn mạnh: Việc nhận chìm trên biển không phải đơn giản là chuyển sự ô nhiễm từ môi trường này sang môi trường khác. Vì thế, mặc dù khoảng 3,5 triệu m3 đất, cát thải đó nguyên bản không có hại nhưng cũng cần phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, quy tắc; cần tiến hành thăm dò hiện trạng điểm đổ, quy hoạch và đánh giá tác động môi trường nếu không sẽ hủy hoại môi trường ở bãi đổ.
Chưa kể, cần tham vấn ý kiến cộng đồng, của người dân địa phương về điểm đổ, phương án đổ... và công khai thông tin rộng rãi để được giám sát khách quan. Đặc biệt, phải thực hiện đúng các thiết kế, đổ đúng chất và đúng địa điểm được đổ; tránh gây ra hiểm họa môi trường nghiêm trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.