Đinh La Thăng: Nếu hợp đồng 33 sai, PVPower phải chịu trách nhiệm lớn hơn PVC

Vũ Hân
Vũ Hân
10/05/2018 12:58 GMT+7

Theo bị cáo Đinh La Thăng, hợp đồng EPC số 33 do PVPower và PVC cùng ký, nên nếu hợp đồng đó sai thì PVPower cũng phải chịu trách nhiệm, thậm chí cao hơn, với tư cách là chủ đầu tư và người soạn thảo hợp đồng.

Sáng nay, 10.5, phiên xử phúc thẩm vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) liên quan đến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục với phần xét hỏi.
Trả lời câu hỏi của luật sư (LS) Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho mình, bị cáo Đinh La Thăng cho biết trong thời gian 2010 - 2011, khi PVN chỉ định PVC làm tổng thầu dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, không có bất cứ một nhà thầu Việt Nam nào có kinh nghiệm làm tổng thầu dự án nhiệt điện lớn với công suất 1.200 MW như vậy, chỉ có Lilama được chỉ định thầu dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, nhưng lúc đó mới đang trong giai đoạn bắt đầu thi công.
Theo bị cáo Thăng, dự án Vũng Áng 1 sau đó cũng bị chậm tiến độ hơn 3 năm (dự án này cũng do PVN làm chủ đầu tư - PV).
Với bối cảnh đó, bị cáo Thăng “tha thiết mong HĐXX xem xét một cách hết sức rộng lượng việc chỉ định PVC là tổng thầu trong điều kiện đất nước như vậy”.
Trong phần trả lời LS, bị cáo Đinh La Thăng cũng cho biết lý do cơ bản khiến PVN chỉ định PVC là tổng thầu là do không tìm được nhà thầu nước ngoài nào để liên danh với PVC, cũng như khẳng định việc chỉ định thầu trước rồi mới tiến hành đàm phán là đúng quy định, đã được sự đồng ý của Thủ tướng.
Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi kỹ hơn về việc bị cáo đã làm gì để mời các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đấu thầu, bị cáo Đinh La Thăng cho biết “cái đó là chủ động của chủ đầu tư và nhà thầu, tôi không biết và không chỉ đạo việc đó”.
“Vậy căn cứ ở đâu bị cáo nói rằng không có nhà đầu tư nước ngoài nào muốn tham gia dẫn đến bị cáo phải chỉ định thầu?”, thẩm phán Nguyễn Văn Sơn truy. Trước câu hỏi này, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận không nắm được việc có nhà thầu nước ngoài nào muốn tham gia liên danh hay không.
Bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN, cũng cho biết ban đầu phản đối việc PVC làm tổng thầu, do “về mặt kinh nghiệm, PVC chưa làm tổng thầu dự án lớn, nên để học hỏi kinh nghiệm thì phương án tốt là liên danh nhà thầu”. Tuy nhiên, sau đó bị cáo Thực đồng ý phương án này với lý do: "Chủ tịch HĐTV (tức ông Đinh La Thăng) đã thay mặt HĐTV ký văn bản gửi Chính phủ nên tôi nghĩ HĐTV đã thông qua, thì với tư cách tổng giám đốc, tôi phải thực hiện”.
Tại phiên xét hỏi, bị cáo Đinh La Thăng cũng phủ nhận cáo buộc tại bản án sơ thẩm về ứng vốn cho PVC hỗ trợ doanh nghiệp này giải quyết khó khăn, do “đây không phải trách nhiệm của HĐTV và Chủ tịch HĐTV cũng không phải là chủ tài khoản, không có chức năng chỉ đạo và giải quyết vấn đề tạm ứng”, và cho rằng, nếu chỉ đạo tạm ứng để gỡ khó cho PVC thì bị cáo đã không chỉ đạo tiền tạm ứng chỉ được dùng cho Nhiệt điện Thái Bình 2, không được dùng cho việc khác.
Theo bị cáo Thăng, việc PVC sử dụng vốn tạm ứng sai “vừa không đúng quy định của pháp luật vừa không đúng với chỉ đạo trực tiếp của tôi trên công trường”.
Trả lời câu hỏi của LS về trách nhiệm của PVPower khi ký hợp đồng EPC số 33, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng: “Nếu hợp đồng đó sai thì PVPower cũng phải chịu trách nhiệm, thậm chí chịu trách nhiệm cao hơn, vì anh là người dự thảo, chủ động mời ký hợp đồng, anh là chủ đầu tư”.
PVN xin giảm án cho các nguyên lãnh đạo
Là người được xét hỏi đầu tiên trong phiên xử sáng nay, đại diện PVN thừa nhận việc đã gửi văn bản đến tòa cũng như các cơ quan chức năng vào ngày 27.4.2018 xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, gồm: Phùng Đình Thực (nguyên Tổng giám đốc), Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó tổng giám đốc), Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng), Lê Đình Mậu (nguyên Phó ban Tài chính, kế toán, kiểm toán) và Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV).
Trả lời chất vấn của LS, đại diện PVN thừa nhận về mặt giấy tờ pháp lý, tập đoàn này chưa có bất cứ văn bản nào gọi là đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, chỉ có công văn vào năm 2017 đề nghị HĐXX sơ thẩm xem xét hậu quả vụ án, nếu cá nhân hay tổ chức nào gây thiệt hại cho PVN thì buộc cá nhân, tổ chức đó phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.