Đình chỉ 2 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản

Thu Hằng
Thu Hằng
09/09/2019 15:33 GMT+7

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vừa thông báo 2 doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam bị đưa ra khỏi danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện phái cử thực tập sinh kỹ năng sang Nhật Bản.

Hai công ty bị đình chỉ là Công ty cổ phần nhân lực TTC Việt Nam (TTC Vietnam Human Resources Joint Stock Company) có địa chỉ tại Toà nhà Interserco, số 2 đường Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) và Công ty cổ phần kết nối nhân lực Việt (Viet Human Resources Connection Joint Stock Company) địa chỉ Tòa nhà Song Long Lô 19/20 Nam Trung Yên, đường Phạm Hùng, Trung Hoà, quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Thông báo của Đại sứ quán Nhật nêu rõ: “Chúng tôi xin thông báo rằng, kể từ ngày 6.9, khi làm thủ tục xin phê duyệt kế hoạch thực tập kỹ năng tại Cơ quan quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài sẽ không thể sử dụng 2 doanh nghiệp phái cử đã nêu”.
Theo Đại sứ quán Nhật Bản, ngày 4.9, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã liên lạc với Cơ quan quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài (OTIT) cho biết, căn cứ quy định của Bản ghi nhớ hợp tác song phương về thực tập kỹ năng đã ký kết giữa Nhật Bản và Việt Nam, Bộ dự định xóa tên 2 doanh nghiệp trên khỏi danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản.
Trao đổi với Thanh Niên chiều nay 9.9, một đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ- TB-XH) xác nhận thông tin trên; đồng thời cho biết, 2 doanh nghiệp bị đưa ra khỏi danh sách các doanh nghiệp khai thác thị trường Nhật Bản vì vi phạm liên quan đến thu phí của người lao động. Vị này cũng cho hay, theo thỏa thuận Biên bản ghi nhớ đã ký kết, Việt Nam và Nhật Bản sẽ kiên quyết xử lý các doanh nghiệp sai phạm.
Trước đó, đầu năm 2019, Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH từng xử phạt Công ty cổ phần kết nối nhân lực Việt 120 triệu đồng. Cụ thể, công ty này bị xử phạt do không thông báo công khai, cung cấp cho người lao động đầy đủ các thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện của hợp đồng theo quy định; thực hiện không đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định; không đăng ký mẫu chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cấp cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định; nộp không đầy đủ số tiền đóng góp của người lao động vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, 7 tháng năm 2019, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 79.428 lao động, đạt 66,19% kế hoạch năm 2019. Trong đó, thị trường lao động Nhật Bản đứng đầu danh sách, trở thành điểm đến hấp dẫn của lao động Việt Nam với 39.542 lao động. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.