Điều tra lại vụ 'trắng án giết người' ở Bình Phước

25/02/2016 07:09 GMT+7

TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại từ đầu nhằm đảm bảo tính khách quan của vụ án Nguyễn Văn Đồng (66 tuổi, ngụ xã Đức Liễu, H.Bù Đăng, Bình Phước).

Hôm qua (24.2), TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Văn Đồng (66 tuổi, ngụ xã Đức Liễu, H.Bù Đăng, Bình Phước) và đã tuyên chấp nhận kháng nghị của Viện KSND tỉnh Bình Phước và kháng cáo của gia đình nạn nhân, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại từ đầu nhằm đảm bảo tính khách quan của vụ án.

Bị cáo Đồng tại tòa phúc thẩm ngày 24.2 - Ảnh: Ngọc LêBị cáo Đồng tại tòa phúc thẩm ngày 24.2 - Ảnh: Ngọc Lê
Theo tòa án cấp cao, lời khai của bị cáo tại tòa và lời khai thể hiện trong hồ sơ có nhiều mâu thuẫn. Trong khi đó, bản án sơ thẩm chưa đánh giá hết toàn bộ chứng cứ của vụ án nhưng lại tuyên bị cáo vô tội.
Theo cáo trạng, khoảng 10 giờ ngày 28.1.2013, ông Đồng chạy xe máy đến nhà ông Trần A Ửng (50 tuổi, ở gần nhà ông Đồng) uống rượu và đánh bài ăn tiền. Vì thấy con là Trần Ký Cường (2 tuổi) khóc nên ông Ửng ngừng chơi bài để bế con nhưng ông Đồng không đồng ý, dẫn đến cãi vã, xô xát.
Trong lúc xô xát, ông Đồng cầm cục gạch và khúc cây đánh làm ông Ửng rách da đầu, chảy máu. Ông Ửng bỏ đi ra ngồi cạnh giếng thì bị ông Đồng chạy tới đánh tiếp rồi đẩy xuống giếng. Lúc đó, bé Trần Ký Thảo (5 tuổi, con ông Ửng) đã chứng kiến sự việc và dẫn bé Cường đi ra đường sau nhà đứng khóc, chờ mẹ và chị về. Còn ông Đồng chạy xe máy về nhà.
Sau đó, người nhà phát hiện ông Ửng tử vong dưới giếng. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, một cặp vợ chồng đi làm rẫy gần nhà ông Ửng có gặp ông Đồng chạy xe máy theo chiều ngược lại. Ngày 29.1.2013, ông Đồng bị bắt giữ để điều tra về hành vi giết người.
Trong phiên tòa sơ thẩm tháng 8.2015, bị cáo kêu oan nhưng Viện KSND tỉnh kết luận phạm tội giết người và đề nghị mức án tù chung thân. Tuy nhiên sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên bị cáo không phạm tội và trả tự do tại tòa vì cho rằng chứng cứ đặc biệt quan trọng trong vụ án để chứng minh tội phạm của bị cáo là chiếc đồng hồ đeo tay, nhưng trong hồ sơ vụ án không thể hiện có biên bản về việc niêm phong chiếc đồng hồ.
Ngoài ra, việc công an xã thu giữ chiếc đồng hồ và chuyển giao cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để trưng cầu giám định không được thể hiện bằng biên bản. Vì vậy, dấu vết trên chiếc đồng hồ không được coi là chứng cứ trong việc chứng minh tội phạm.
Bên cạnh đó, cơ quan tiến hành tố tụng có thiếu sót, vi phạm tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, như không khám xét nhà ở, thu giữ vật chứng là cây gỗ, viên gạch mà không tiến hành niêm phong và không giám định dấu vân tay trên những vật này là của ai...
Đặc biệt, người làm chứng duy nhất của vụ án là bé Trần Ký Thảo là con trai bị hại, thời điểm xảy ra sự việc mới chỉ 5 tuổi 6 tháng 13 ngày nên không có năng lực hành vi dân sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.