Diệu kỳ ca ghép thận bệnh nhi từ người cho chết não

Duy Tính
Duy Tính
25/12/2018 07:30 GMT+7

Ca ghép thận 'xuyên Việt' đầu tiên thành công cho bệnh nhi từ người hiến chết não, mở ra cơ hội mới cho trẻ suy thận giai đoạn cuối.

Ngày 24.12, từ Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TP.HCM), Sở Y tế TP, Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, BV Chợ Rẫy loan đi tin vui về ca ghép thận cho trẻ em từ người hiến chết não. Đây là ca ghép thận ở trẻ em đầu tiên từ người cho chết não và cũng là ca ghép thận được đợi chờ hơn 30 năm của GS-TS Trần Đông A, cố vấn BV Nhi đồng 2.

Quả thận “vượt” hơn 1.500 km

Nam bệnh nhân D.H.Q (43 tuổi) bị hôn mê sau mổ dị dạng mạch máu não điều trị tại BV Bạch Mai, sau đó chuyển qua BV Việt Đức (Hà Nội) để đánh giá chết não vì đã hết cơ hội cứu chữa. Lúc này, GS-TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối hiến ghép tạng quốc gia (gọi tắt là trung tâm), cho biết có một cuộc gọi từ vợ bệnh nhân đến trung tâm bày tỏ ý nguyện thực hiện di nguyện của chồng “hiến tạng cứu người sau khi qua đời”. Lập tức, trung tâm âm thầm chuẩn bị, lên danh sách chờ ghép (những người có tên trong danh sách chờ ghép quốc gia - PV).
Ngày 9.12, trung tâm thông báo với BV Nhi đồng 2 có người hiến thận. Ngày 11.12, BV Nhi đồng 2 tức tốc báo cho gia đình bệnh nhi Đ.V.H (15 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt, Lâm Đồng).
“Nhận thông báo, gia đình vui mừng khôn tả. Ngay trong đêm 11.12, gia đình đưa H. xuống BV, đến nơi đúng 2 giờ ngày 12.12”, chị Nguyễn Thị Tâm, mẹ bé H., kể. Trong lúc H. nhập viện để đánh giá sức khỏe, lọc máu trước khi ghép thì mẫu máu của người hiến cũng đã được chuyển đến BV Nhi đồng 2 để làm các xét nghiệm cần thiết. Chiều cùng ngày, vượt 1.500 km từ Hà Nội, quả thận đã được đưa đến BV Nhi đồng 2, chuẩn bị cơ hội “hồi sinh” cho một bệnh nhi.

Ca ghép thận xuyên đêm

Kiến nghị sửa luật về hiến tạng đối với trẻ sau khi chết não
GS-TS Trần Đông A dẫn giải điều 37 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định trẻ em được ưu tiên trong ghép mô, bộ phận cơ thể người và cho rằng cần sửa luật theo hướng cho phép trẻ em được hiến tạng sau khi chết não. Các nước phát triển đã làm từ lâu nên trẻ em ở các nước này hiếm khi có trong danh sách chờ ghép. Bên cạnh đó, đối với trẻ em còn sống, cấm hiến tạng là hoàn toàn chính đáng.
Đồng quan điểm, GS-TS Trần Ngọc Sinh cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung về hiến tạng trẻ em chết não để có nguồn ghép cho trẻ bị suy thận.
21 giờ ngày 12.12, cả bệnh nhi và quả thận hiến đã ở trong phòng mổ BV Nhi đồng 2. Sau 6 giờ 45 phút thực hiện ghép, ca phẫu thuật được đánh giá thành công. Quả thận bắt đầu hồng hào, được tưới máu tốt và bắt đầu có nước tiểu. Các xét nghiệm chức năng thận, sinh hóa máu của bệnh nhi trong giới hạn bình thường… Hiện bệnh nhi được theo dõi, điều trị hậu ghép rất tích cực, nếu tiến triển tốt có thể đi học trở lại sau 6 tháng ghép.
“Đêm đó vợ chồng tôi không ngủ, cứ lo lắng, đi loanh quanh trước khu vực phòng mổ. Hơn 3 giờ ngày 13.12, BV thông báo ca mổ thành công. Vợ chồng tôi vui sướng, gọi về cho gia đình hai bên báo tin vui. Đúng là ca mổ lịch sử! Con tôi như chết đi sống lại.
3 ngày sau mổ, mẹ con gặp lại và ôm nhau khóc vì vui mừng quá đỗi”, chị Tâm xúc động và “muốn gặp gia đình người hiến thận để cảm ơn” nhưng theo quy định không được phép. “Gia đình tôi xin gửi lời tri ân người hiến thận và gia đình”, chị Tâm nói.
Chia sẻ sau ca ghép, bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV Nhi đồng 2, cho biết suốt 10 năm qua BV đã thực hiện 18 ca ghép thận. Trong đó, 17 ca trước là ghép từ người cho còn sống (người thân của bệnh nhân - PV); còn ca thứ 18 này đặc biệt ý nghĩa, bởi bệnh nhi được ghép từ người cho chết não - một người hoàn toàn xa lạ - và là ca đầu tiên tại BV Nhi đồng 2. Bác sĩ Tùng hy vọng cuộc ký kết hợp tác ghép tạng giữa 3 BV: Nhi đồng 2, Chợ Rẫy và Thống Nhất sẽ mở hướng mới cho ghép tạng trẻ em, tức có thêm nguồn tạng để cứu sống nhiều bệnh nhi từ Trung tâm điều phối hiến ghép tạng quốc gia.
Nói về ca ghép thận kỳ diệu này, GS-TS Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Thận niệu học TP.HCM (phẫu thuật viên ca ghép), cho biết quả thận người lớn to, trong khi hốc chậu phải của trẻ em chưa phát triển hoàn thiện nên phải ghép cao hơn. Còn GS-TS Trần Đông A không giấu nỗi vui mừng khi tâm sự: “30 năm trước tại Pháp, tôi đã thực hiện ca ghép thận cho bệnh nhi là trường hợp chết não. Người cho thận là bé 5 tuổi và người nhận thận cũng là một bé cùng tuổi. Hồi đó, tôi tự hỏi, không biết bao giờ VN mới được thế này. Nhưng nay, giấc mơ đã thành hiện thực”. Ông cũng chia sẻ, VN đang có uy tín về hòa nhập kỹ thuật nên mong sẽ có vị trí xứng đáng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có ghép tạng. 
Lần đầu ghép 6 tạng từ 1 người chết não
Từ nguồn tạng bệnh nhân D.H.Q hiến, GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức, cho biết lần đầu tiên VN thực hiện đồng thời 6 tạng để ghép và thành công. Cụ thể, BV đã ghép 5 tạng (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận) cho 4 bệnh nhân, trong đó lần đầu tiên BV thực hiện thành công kỹ thuật ghép 2 phổi từ người cho chết não; kết hợp điều phối xuyên Việt 1 thận cho bệnh nhi ở BV Nhi đồng 2 (TP.HCM).
GS-TS Trần Bình Giang cho biết để thực hiện ca phẫu thuật phức tạp này, vào ngày 12.12, BV đã huy động gần 500 thầy thuốc tham gia. Tất cả các khâu từ việc chuẩn bị đến điều trị đều do chuyên gia của VN thực hiện. Sau hơn 10 ngày, tất cả 6 tạng ghép đều tiến triển thuận lợi.
Trước đó, kỷ lục lấy và ghép nhiều tạng nhất là 5 tạng; có 2 ca ghép phổi đã được thực hiện tại BV Quân đội 103 và BV T.Ư Quân đội 108 với kíp phẫu thuật là các thầy thuốc VN và các chuyên gia nước ngoài về ghép phổi.
Tính đến ngày 21.12, VN đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi. BV Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện 756 ca ghép tạng, trong đó có 1 ca ghép phổi, 19 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 680 ca ghép thận, 55 ca ghép gan.
T.Hằng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.