Điều học được qua những lần phiên dịch cho Bác Hồ

10/05/2020 06:37 GMT+7

Có diễm phúc làm phiên dịch cho Bác không ít lần và mỗi lần tôi đều học được những điều quý giá từ Người.

Dịp Tết Trung thu đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, nhà nhà ở Hà Nội lập “bàn thờ Tổ quốc” - một hiện tượng có một không hai trên thế giới; giữa bàn thờ là chân dung Bác Hồ với đôi mắt sáng quắc. Cá nhân tôi được trông thấy Bác đôi ba lần, đương nhiên, từ rất xa. Có ngờ đâu, sau này tôi lại có diễm phúc làm phiên dịch cho Bác không ít lần và mỗi lần đều học được những điều quý giá.

Hổ thẹn vì mình lười học quá

Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Bác rất gần là vào năm 1955, khi Người chính thức sang thăm Liên Xô và tới thăm Đại học M.Lomonosov. 100 anh chị em chúng tôi đang học tiếng Nga ở Moskva để làm phiên dịch cũng được tham dự. Phát biểu tại đó, Bác ví trường Lomonosov như một cô gái trẻ so với “bà già” Đại học New York. Người phiên dịch đã dùng từ “starukha” để dịch chữ “bà già”, Bác liền sửa lại là “baba” chứ không phải “starukha”! Điều uốn nắn của Bác làm cho cả hội trường thích thú òa lên vỗ tay không ngớt. Số là trong tiếng Nga, “baba” miêu tả một bà già lếch thếch mà ở ta gọi là “mẹ bổi”, chứ không chỉ là một bà già bình thường.

Ngày nay ở ta đang có phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Chưa nói tới những điều cao xa, nếu ai ai cũng học tập và làm theo cho được những điều bình dị ở Bác cũng may lắm rồi 

Từ đó tôi hiểu ra rằng, ngôn ngữ rất tinh tế, phiên dịch phải thể hiện thật chuẩn không chỉ con chữ mà là cái hồn ẩn trong đó mới là điều quan trọng. Và nữa, khi phát biểu trước công chúng phải chọn cách nói hấp dẫn, thu phục lòng người ngay khi mở đầu.
Một lần khác, Bác đến dự chiêu đãi do Chính phủ tổ chức nhân dịp đầu xuân dành cho chuyên gia nước ngoài. Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô đọc đáp từ, trong đó chúc Bác Hồ sống lâu; phiên dịch dịch là chúc Bác “bách niên giai lão”. Lúc ấy, tôi đứng sau lưng, nghe thấy Bác rỉ tai bác Tôn: “Mình có lấy vợ đâu mà chúc bách niên giai lão?”.
Qua bận đó tôi rút ra bài học là phải hết sức tránh sử dụng những câu, những chữ mình không rõ nghĩa, nhất là những từ Hán - Việt thường rất thâm thúy.
Rồi một lần kia, tôi được gọi lên Phủ Chủ tịch phiên dịch cho Bác tiếp phóng viên tạp chí Thời mới của Liên Xô. Trong khi đợi khách, Bác lấy thuốc lá ra hút, kèm theo là mảnh giấy nhỏ, lẩm nhẩm đọc đi đọc lại mấy từ tiếng Nga. Tôi mạnh dạn hỏi: Bác vẫn học tiếng Nga ạ? Bác nói: “Lâu không dùng nên Bác quên nhiều, nay Bác học lại và học thêm bằng cách ghi một số từ vào mảnh giấy để vào hộp thuốc lá, mỗi lần lấy thuốc ra hút lại nhẩm lại. Mỗi ngày trung bình Bác hút 20 điếu, có rơi rụng vẫn có thể học được mươi từ một ngày”!
Tôi tự thấy quá hổ thẹn vì mình lười học! Trong khi Bác biết hàng chục thứ tiếng, bận trăm công ngàn việc, hơn nữa tuổi đã cao, nhưng vẫn cặm cụi học. Mình chỉ bập bẹ nhõn một ngoại ngữ nhưng lại chẳng chịu học! Ngôn ngữ nói chung, ngoại ngữ nói riêng là cả một bể kiến thức mênh mông; không thường xuyên rèn giũa thì làm sao dịch tốt được!
Một lần, tôi ngượng đỏ cả mặt vì bị Bác nhận xét. Số là khi tham gia đoàn đi dự Hội nghị quốc tế 81 Đảng Cộng sản và công nhân tại Moskva năm 1960, đoàn ta (có các vị lãnh đạo Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh) được bố trí ở ngôi biệt thự từng dành cho Stalin nằm ở ngoại ô, bên bờ sông Moskva, được bạn chiêu đãi rất hào phóng. Còn trẻ và muốn nếm các món mình chưa bao giờ thấy, nên tôi lấy thức ăn hết đĩa này sang đĩa khác. Thấy vậy, Bác liền nhắc khẽ: “Cháu ăn món nào thì ăn hết đĩa ấy; mỗi đĩa cháu lấy một chút, thừa ra ai ăn?”. Tôi ngượng đỏ cả mặt, may mà được đồng chí Lê Duẩn nói đỡ: “Nó còn trẻ, Bác cứ để nó ăn”. Bác nói: “Bác đâu có cấm nó ăn, Bác nhắc nó cách ăn thôi mà”.
Từ ngày đó tôi luôn tâm niệm rằng, làm phiên dịch không chỉ cần học viết, học nói mà rất cần học cách ăn nữa!

Hóa giải tài tình “thảm họa” ngoại giao

Trong nghề ngoại giao nói chung và trong nghề phiên dịch nói riêng, nhiều khi nảy sinh những sai sót, trục trặc, thậm chí thảm họa. Làm thế nào để xử lý là cả một nghệ thuật. Cá nhân tôi đã được chứng kiến Bác xử lý tài tình thế nào.
Sự cố xảy ra khi ta đón Đoàn đại biểu Quốc hội Bulgaria do ông Valko Chervenkov dẫn đầu (ông từng là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Bulgaria, bị thất sủng trong chiến dịch “chống sùng bái cá nhân” ở Liên Xô và Đông Âu, nhưng vẫn là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội). Cùng đi với ông có phu nhân là bà Maria (bà là em gái Georgi Dimitrov, từng là Tổng bí thư Quốc tế Cộng sản và lừng danh khi đương đầu với tòa án của phát xít Đức kết tội ông chỉ đạo việc đốt Nhà Quốc hội Đức).
Trên đường xuống Hải Phòng, xe của đoàn dừng lại bên cầu Phú Lương để chờ tàu hỏa đi qua. Ông Chervenkov cùng phu nhân định xuống xe, nhưng khi hé cửa, ông bỗng đóng sầm lại, tránh để phu nhân thấy cảnh anh em ta đứng thành hàng dài trên đường tàu “giải quyết vấn đề”(!). Từ đó trở đi, ông ngồi lầm lỳ, không nói năng gì, kể cả khi lãnh đạo Hải Phòng tiếp đãi. Thật là “thảm họa ngoại giao”!
Sáng sớm hôm sau, đang trực ở nhà khách 12 Ngô Quyền, bỗng tôi được tin Bác Hồ đến, nên vội chạy ra đón. Bác bảo tôi thông báo trước với bạn rằng Bác đến thăm. Khi tôi gõ cửa phòng, ông Chervenkov hé cửa với vẻ mặt bực bội. Tôi vội báo tin, đồng chí Hồ Chí Minh đang lên thăm ông bà! Đúng lúc ấy, Bác lững thững đi tới; ông Chervenkov chỉ kịp khoác chiếc khăn tắm lên người, còn phu nhân vẫn mặc nguyên váy ngủ. Bác bảo tôi bê mấy chiếc ghế mây ra sân thượng để Bác tiếp bạn.
Ông Chervenkov nói với Bác: “Tôi chưa kịp tới chào đồng chí, nay đồng chí lại đích thân tới thăm, tôi thấy áy náy quá!”. Bác nói: “Ở phương Đông có câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Là học trò của đồng chí, nay thầy tới nhà, tôi phải tới chào trước chứ! Vả lại, cô Maria là em nuôi của tôi. Làm bạn với đồng chí Dimitrov, nay em đến nhà thì anh tất phải tới thăm!”.
Ông Chervenkov thốt lên: “Làm sao tôi có thể là thầy của đồng chí được?”. Bác đáp lại: “Đồng chí không biết đó thôi, tôi từng lén nghe đồng chí giảng bài tại Trường đại học Cộng sản Moskva đấy”.
Thế rồi chủ - khách chuyện trò vui vẻ, trao đổi thân tình và không ai nhắc tới sự cố xảy ra cả. Đây có lẽ là cuộc tiếp xúc ngoại giao vô tiền khoáng hậu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới nữa, khi nguyên thủ quốc gia tiếp thượng khách chỉ khoác trên người chiếc khăn tắm!
Qua đây ta thấy Bác Hồ đã xử lý sự cố ngoại giao theo kiểu “lấy tình người xóa đi khúc mắc” tài tình như thế nào. Mặt khác, Bác xử lý rất nghiêm những người mắc lỗi. Khi được báo cáo, Bác đã yêu cầu thay ngay toàn bộ ê kíp bảo vệ đoàn.
Mọi người đều biết, Bác sống hết sức giản dị, vô cùng tiết kiệm. Riêng tôi được chứng kiến nhiều sự việc nói lên phẩm chất cao đẹp này của Người. Trong những chuyến sang Liên Xô không chính thức, Bác không dùng chuyên cơ, mà đi bằng máy bay dân hàng. Cùng đi, nhiều lắm cũng chỉ có 1 - 2 cán bộ cao cấp liên quan tới chủ đề Bác làm việc với lãnh đạo bạn, cùng anh Vũ Kỳ (thư ký của Bác), bác sĩ Nhữ Thế Bảo. Cận vệ có lần có, có lần không. Không có cán bộ lễ tân - quản trị gì (việc này do anh Vũ Kỳ và Đại sứ quán lo). Quà tặng cho lãnh đạo bạn là cam, nhãn, vải, bưởi… hái trong vườn. Hành lý của Bác không đầy một va li; quần áo lót Bác tự giặt chứ không để bộ phận phục vụ giặt. Bác không cho các cô hầu bàn phục vụ, mà yêu cầu để thức ăn trên mặt tủ buffet, ai ăn tự lấy, ăn xong tự mang bát đĩa vào bếp. Có lần, Bác còn vào bếp hướng dẫn đầu bếp nấu món beefsteak saignant (thịt bò chín tới).
Đối với mọi người, Bác cư xử rất dung dị, chuyện trò, đùa cười tự nhiên, thậm chí còn trêu phiên dịch bạn bằng cách yêu cầu phát âm một số từ tiếng Việt nhưng chệch dấu nên thành một từ hoàn toàn khác nghĩa, làm cho mọi người cười lăn cười bò...
Ngày nay ở ta đang có phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Chưa nói tới những điều cao xa, nếu ai ai cũng học tập và làm theo cho được những điều bình dị ở Bác cũng may lắm rồi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.