Điêu đứng vì thời tiết bất thường

Ngày 4.2, mưa đá xuất hiện ở Sa Pa. Nhiều tỉnh miền Bắc cũng xảy ra mưa trái mùa với lượng trung bình từ 30 - 40 mm. Trong khi đó, ở miền Nam, mưa trái mùa vẫn tiếp tục xảy ra kéo dài đến hôm qua.

Đặc biệt, trước đó ngày 2.2, khắp Nam bộ xảy ra mưa trái mùa và là những trận mưa lớn với lượng trung bình 50 - 80 mm, tại TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương có nơi lên đến trên 120 mm. Đây là hiện tượng thời tiết bất thường nhiều năm mới gặp.
Mặn có thể xâm nhập sâu
Theo TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), lịch sử chuỗi số liệu cho thấy mưa trái mùa vào tháng 2 cũng không quá lạ, nhưng cái lạ ở đây chính là diện rộng và lượng lớn đến như vậy. Các nhà khí tượng phân tích cho thấy nguyên nhân là do rãnh thấp xích đạo đi ngang khu vực này. Nó liên kết các đám mây lại với nhau tạo thành chuỗi mây hội tụ gây mưa. Ngoài ra còn có ảnh hưởng của không khí lạnh ở miền Bắc. Đó là những yếu tố khoa học tác động gây mưa nhưng nguyên nhân sâu xa chính là ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. “Sự bất thường của thời tiết mấy năm gần đây dường như đã trở nên bình thường và nguyên nhân sâu xa của nó chính là ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu”, chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan nói.
Sự bất thường của thời tiết mấy năm gần đây dường như đã trở nên bình thường và nguyên nhân sâu xa của nó chính là ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu
Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng
Ông Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, nhận xét: Sau trận mưa trái mùa được coi là lịch sử ngày 2.2, thời tiết Nam bộ đang tốt dần lên, mưa trái mùa đang giảm. Tình hình thời tiết trung hạn thì mưa trái mùa chỉ còn rải rác ở một vài nơi nhưng lượng và diện cũng không đáng kể.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Tuấn nhận xét: Do trận mưa vừa rồi rất đặc biệt nên khả năng lặp lại là rất thấp. Nhưng như đã phân tích ở trên, chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng của cái “đuôi” La Nina nên vẫn có thể có thêm một vài trận mưa trái mùa trong tháng 2 này. Sau đó, Nam bộ sẽ vào cao điểm mùa khô và hạn mặn. Năm 2016 lũ nhỏ, chỉ cao hơn năm 2015 một chút nên vẫn sẽ xảy ra tình trạng hạn mặn. Tuy nhiên do mùa mưa kết thúc muộn, lại có mưa trái mùa nên tình hình cũng chỉ ít nghiêm trọng hơn năm trước một chút nhưng chúng ta hoàn toàn không được chủ quan.
Theo bà Lan, ở khu vực Nam bộ vào tuần tới, trong 3 ngày đầu tuần trời có nắng trở lại với cường độ không quá mạnh nhưng trong tháng 2 này, các ngày mưa trái mùa xen kẽ với các ngày nắng vẫn còn tiếp tục xảy ra và khả năng gây mưa sẽ giảm dần vào cuối tháng. Từ tháng 3 sẽ dứt hẳn mưa trái mùa và bước vào cao điểm mùa khô, kéo dài đến hết tháng 4. Bắt đầu từ tháng 5 sẽ có thể xuất hiện một vài cơn mưa đầu mùa. Năm 2015 - 2016, hạn mặn gay gắt do mùa khô kéo dài đến 6 tháng thì năm nay sẽ ngắn hơn.
Bà Lan cũng lưu ý: Hiện nay đang bắt đầu đợt triều cường rằm tháng giêng (âm lịch) đỉnh triều ở nhiều cửa sông dự báo ở mức báo động 2, trong khi mực nước sông ở thượng nguồn đang xuống thấp nên mặn có thể xâm nhập sâu.
Lúa đổ ngã, sâu bệnh tăng
Mưa trái mùa liên tục trong mấy ngày qua cũng gây hậu quả nặng nề ở ĐBSCL. Đi dọc quốc lộ 91B, thuộc Q.Bình Thủy (TP.Cần Thơ), nhiều cánh đồng lúa đông xuân sắp thu hoạch của nông dân đổ rạp xuống mặt đất do mưa lớn cộng gió to. Tương tự, những cánh đồng rộng lớn hai bên quốc lộ 61 nối Cần Thơ - Vị Thanh (Hậu Giang) đoạn thuộc H.Châu Thành A, H.Vị Thủy (Hậu Giang), nhiều diện tích lúa đông xuân trổ bông gần thu hoạch cũng bị đổ, nhiều nơi ngập trong nước. Ông Tạ Văn Ngân ở ấp 4, xã Tân Hòa, H.Châu Thành A, cho biết: “Mưa lớn quá bất ngờ khiến nông dân không kịp trở tay. Bây giờ thì lại tốn thêm tiền bơm nước cứu lúa. Chưa kể lúa đổ rất khó thu hoạch nên giá mướn máy gặt cũng sẽ mắc hơn so với ngày thường”. Theo thống kê sơ bộ của một số tỉnh thành vùng ĐBSCL, diện tích lúa đổ ngã do mưa giông trái mùa lên đến cả ngàn héc ta.
Lúa đông xuân ở Hậu Giang bị mưa làm đổ rạp trên ruộng Ảnh: Đình Tuyển
Không chỉ gây thiệt hại với lúa, mưa lớn trái mùa cũng khiến nông dân trồng cây ăn trái ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Cần Thơ... khốn đốn bởi rất nhiều diện tích xoài, chôm chôm, sầu riêng đang trổ bông bị rụng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng biến đổi khí hậu Cần Thơ, cho biết trận mưa hôm 2.2 ở một số nơi như quận Ô Môn, Thốt Nốt lượng mưa ghi nhận được lên đến 110 mm, vượt xa lượng mưa bình quân từ 50 - 80 mm. “Nghĩa là trận mưa trái mùa này là một trong những trận mưa lớn lịch sử ở Cần Thơ trong hơn 40 năm qua”, ông Vinh nói. Cũng theo ông Vinh, hiện tượng thời tiết khác thường là bởi sự thay đổi luân phiên giữa hạn hán và ngập lụt. Sau khi mưa nhiều, rất có thể sẽ xảy ra hạn hán tương tự năm 2016. Chính vì thế, các địa phương cần phải tính toán ngay giải pháp để ứng phó với các tình huống thời tiết cực đoan có thể xảy ra tới đây. Ngoài biến đổi khí hậu thì những tác động từ các đập thủy điện ở thượng nguồn trong việc trữ và xả đập cũng đang làm cho các quy luật của nguồn nước ở ĐBSCL ngày càng bị đảo lộn và khó nắm bắt. “Nông dân sẽ ngày càng khó khăn hơn bởi khi cần nước thì hạn hán kéo dài, ngược lại lúc cây trái ra bông, sắp thu hoạch không cần nước thì lại mưa quá nhiều”, ông Vinh nói.
Nhà vườn miền Đông thất thu
Ngược về miền Đông Nam bộ, nông dân cũng kêu trời vì thời tiết bất thường. Ông Lã Trung Thành (xã Bảo Quang, H.Long Khánh, Đồng Nai), thở dài: Làm nông hơn 30 năm rồi mà chưa thấy năm nào thời tiết như năm nay; nắng - mưa liên tục thất thường. Mọi năm dứt mùa mưa khoảng hết tháng 10 là đến mùa đông (mùa nắng) là cây rụng lá, đơm bông. Nhưng nay mùa mưa liên tục nên bông bị rụng hết. Không những vậy do nước nhiều nên cây không thụ phấn được, ngay cả mấy trái non cũng bị rụng. Những loại cây bị ảnh hưởng nhiều là bơ, bưởi và xoài. Vườn nhà ông Thành có 5 công trồng bơ nhưng chỉ đậu được vài trái, còn lại đều rụng hết. Mọi năm mỗi cây bơ được khoảng 70 kg trái, thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Còn nay mỗi cây thu được khoảng 2 kg, thu được khoảng 60.000 đồng. "Cách đây khoảng 1 tháng nhìn thấy cây bơ xanh tốt, nhú bông ra um tùm. Tưởng năm nay sẽ bội thu, ai dè trái cứ rụng dần, rụng dần, rồi đến giờ mỗi cây chỉ còn được vài trái. Những trái bơ đậu còn lại cũng không được đẹp nên giá sẽ bị thương lái ép. Người nông dân trông chờ nhất vào vụ này, vì là chính vụ thu hoạch sau tết, rộ vào mùa hè. Nhưng thời tiết như thế này thì nông dân gần như mất trắng", ông Thành than thở.
Ông Đoàn Thế Kiệt (H.Long Khánh) dẫn chúng tôi đi xem mảnh vườn rộng 5 công bưởi, trong đó chỉ có hơn phân nửa cho trái, rầu rĩ nói: Mưa nhiều quá nên năm nay bưởi thất thu trầm trọng. Mưa nhiều làm cho hoa, những trái to bằng trái chanh bị rụng, trong khi những trái lớn bị nấm da sần sùi không đẹp. "Mưa nhiều quá nên độ ẩm cao phát sinh dịch bệnh, cây no nước quá nên rụng hết hoa, trái. Năm rồi vườn nhà tôi được 1 tấn trái, năm nay còn 400 kg. Giá cũng chỉ được khoảng 45.000 đồng/kg trong khi năm trước giá đến 60.000 đồng. Năm nay vừa thất thu về giá, vừa thất thu về sản lượng, cây lại vừa bệnh. Nông nghiệp te tua hết", ông Kiệt buồn bã nói.
Trong tình cảnh tương tự, bà Thu ở xã Bảo Quang (H.Long Khánh) cho biết, nhà có 7 công đất trồng chôm chôm, ca cao, mít, tiêu, vụ này cũng bị thất bát. Bởi ngoài việc cây ít đậu trái còn có tình trạng sâu rầy quá nhiều khi mà mưa liên tục, tạo điều kiện cho sâu rầy phát triển mạnh.
Nhiều nhà vườn ở H.Long Khánh cho hay, đầu năm nay mưa trái mùa ở đây tuy không lớn như các tỉnh miền Tây nhưng ít nhiều cũng gây tác động cộng hưởng làm trầm trọng thêm, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất chất lượng.
Mùa đông ấm ở miền Bắc
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết theo các số liệu ghi nhận được trong tháng 12.2016 thì mức nhiệt độ trung bình của mùa đông năm nay cao hơn 3 độ C so với trung bình nhiệt độ mùa đông trong cùng thời điểm của nhiều năm về trước.
Đây là mức chênh lệch rất cao. Không riêng VN, ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, năm 2016 cũng là năm được ghi nhận có thời tiết ấm nóng hơn. Bên cạnh đó, mùa đông ấm ở nước ta còn có nguyên nhân từ sự đổi pha từ hiện tượng El Nino sang hiện tượng La Nina. Ngoài ra, các đợt không khí lạnh tác động đến miền Bắc nước ta năm nay được đánh giá là ít và yếu hơn so với mọi năm. Đặc biệt, các đợt không khí lạnh có xu hướng di chuyển lệch đông nên dẫn tới hiện tượng miền Bắc nắng ấm còn miền Trung và miền Nam, người dân cảm nhận thời tiết lạnh hơn.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao, từ chiều 3.2, các tỉnh miền Bắc xuất hiện đợt mưa, mưa rào rải rác kèm giông ở một số nơi. Tính đến 16 giờ cùng ngày, lượng mưa ở các tỉnh miền Bắc phổ biến từ 5 - 20 mm. Trong đó, nhiều địa phương có mưa nhiều hơn như TP.Thái Nguyên (Thái Nguyên) mưa đến 32,1 mm; tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) 30 mm; TP.Lạng Sơn và Hữu Lũng (Lạng Sơn) mưa 32 mm; Sơn Thủy (Lào Cai) 37 mm. Tại Mù Cang Chải (Yên Bái) mưa lên tới 38 mm, tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) là 40 mm, khu vực Cô Tô (Quảng Ninh) 47 mm. Đợt mưa này được xem là “mưa vàng” khi các địa phương vào mùa sản xuất nông nghiệp, làm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.
P.Hậu - M.Hằng
Lũ trái mùa ở Bình Định, Phú Yên
Ngày 4.2, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn Bình Định cho biết, mưa lớn và liên tục trên diện rộng trong các ngày qua đã khiến nhiều vùng trên địa bàn tỉnh bị ngập, gây nhiều thiệt hại.
Nhiều khu dân cư ở xã Phước Hòa, H.Tuy Phước (Bình Định) bị lũ chia cắt, người dân phải đi lại bằng thuyền Ảnh: Lê Minh
Cụ thể, mưa đã làm ngập, úng 1.680 ha lúa đã gieo sạ. Trong đó, các huyện: An Lão 80 ha, Phù Mỹ 80 ha, Phù Cát 630 ha, An Nhơn 85 ha, Tuy Phước 691 ha và TP.Quy Nhơn 114 ha. Công ty khai thác công trình thủy lợi Bình Định cũng đã đề nghị Thủy điện An Khê ngừng phát điện để giảm úng ngập cho hạ lưu.
Bên cạnh đó, nhiều tuyến tỉnh lộ như các tuyến giao thông thôn Hữu Thành, Kim Xuyên đến tỉnh lộ 636B (qua H.Tuy Phước) bị ngập, nước chảy xiết, một số khu dân cư bị cô lập, người dân phải đi lại bằng xuồng nhỏ. Một số địa phương như xã Hoài Sơn (H.Hoài Nhơn) và một số xã ở H.Hoài Ân cũng chìm ngập trong nước lũ.
Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa (H.Tuy Phước), cho biết: Nước xuống mạnh và dâng cao đã gây lũ cục bộ, làm ngập đường giao thông một số thôn trong xã, và làm ngập sâu 300 ha lúa mới xuống giống. UBND xã đã phải điều động lực lượng thanh niên xung kích và dân quân địa phương sử dụng 2.400 bao cát gia cố đê Gò Ông Ngôn cao thêm 1 m để chống nước tràn qua đê, tránh gây ngập lụt nặng. Bà con đang lo gieo sạ muộn sẽ khó kiểm soát tình hình sâu bệnh, hơn nữa sạ muộn thời gian giáp vụ kéo dài, lương thực cạn kiệt nên việc các hộ dân bị thiếu đói sẽ có nguy cơ xảy ra.
Đến chiều 4.2, ở Bình Định mưa mới có dấu hiệu giảm. Như vậy, tính từ tháng 11.2016 đến nay, sau 5 đợt lũ chồng lũ liên tiếp, bà con nông dân Bình Định đã 4 lần gieo sạ bị mất trắng.
Chiều 4.2, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết qua thống kê đã xác định diện tích lúa đông xuân thiệt hại do lũ trái mùa cần gieo sạ lại trên địa bàn tỉnh là hơn 841 ha; trong đó H.Đông Hòa 300 ha, H.Tuy An 400 ha và TP.Tuy Hòa 141 ha.
Tâm Ngọc - Lê Minh - Đức Huy­
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.