Điều chỉnh vốn đầu tư công nếu chậm giải ngân

Chí Hiếu
Chí Hiếu
27/09/2019 06:37 GMT+7

Ngày 26.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.

Tham dự hội nghị có Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vốn đầu tư công là một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển đất nước, do đó phải đặc biệt chú ý thúc đẩy công tác giải ngân, và sau hội nghị này sẽ có một nghị quyết của Chính phủ để xử lý việc chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vì có nhiều quy định chồng chéo song cũng lên án sự chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực ở một số cấp, ngành, cơ quan hoặc tình trạng “công không ra công, tư không ra tư” kéo dài như một số công trình vừa qua.
Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND cấp tỉnh, các bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng.
Đối với những bộ, ngành, địa phương có số vốn đầu tư công lớn như Bộ GTVT, NN-PTNT, Y tế và các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo thực hiện đồng bộ quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những dự án trọng điểm cấp bách.
“Tôi đã chỉ đạo rất cụ thể để đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị…, yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương tập trung thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để kéo dài, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình phục vụ người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh. Nêu trường hợp dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) đã có khoản vốn trên 11.000 tỉ đồng chuyển về tài khoản, nhưng đến nay “vẫn nói để tháng 10 sang năm mới làm”, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai rút kinh nghiệm.
Tương tự là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Bộ GTVT và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn thì cho chạy tàu, còn một số tồn tại thì sẽ kiểm điểm sau theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT báo cáo Thủ tướng về phương án xử lý để giao hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư năm 2019 còn lại trước ngày 5.10; báo cáo Thủ tướng trước ngày 10.10 việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 từ các dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu giải ngân thêm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
“Các bộ như GTVT, Y tế báo cáo khả năng không sử dụng hết kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 với số tiền lên đến 60.000 - 70.000 tỉ đồng, trong khi đó rất nhiều dự án ở các bộ, ngành khác đang cần vốn. Bộ KH-ĐT khẩn trương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng điều chỉnh. Tinh thần sử dụng không hết vốn đã bố trí thì cần phải điều chỉnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.