Điện thoại, máy tính bảng dễ khiến trẻ mắc bệnh tự kỷ

Trung Hiếu
Trung Hiếu
29/08/2018 16:05 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Tính cho rằng, suốt ngày cho trẻ xem điện thoại, máy tính bảng không tiếp xúc với ai khiến trẻ dễ vấp phải chứng tự kỷ.

Sáng 29.8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề “trẻ tự kỷ - vấn đề của gia đình hay xã hội”.

Nguyện cả đời đồng hành cùng con

Bà Phạm Hồng Dung (có con bị bệnh tự kỷ) cho hay từ 3 tuổi gia đình đã phát hiện con có triệu chứng tự kỷ nên đã đưa đi chữa trị ở Singapore, Pháp, Canada nhưng vẫn không khỏi.

Nguyện cả đời để đồng hành với con, bà Dung cho hay gia đình, đặc biệt là bố mẹ có con bị chứng tự kỷ rất vất vả và phải dành rất nhiều thời gian, tiền bạc điều trị cho con. Tuy nhiên hiện phần lớn xã hội chưa thực sự hỗ trợ, cảm thông với những ông bố bà mẹ có con bị chứng tự kỷ. Hay nói cách khác trẻ bị chứng tự kỷ vẫn bị xã hội kỳ thị.

Bà Dung nói từng chứng kiến nhân viên một trung tâm vui chơi dành cho trẻ em từ chối thẳng thừng một bé bị chứng tự kỷ nặng vì sợ bé sẽ quậy phá. Hay chuyện con bà và các bé tự kỷ khi theo bố mẹ vào công viên, nhà hàng và quán cà phê khi đùa giỡn thường nhận được những ánh mắt không thiện cảm, thậm chí còn bị chủ và khách nhận xét không biết dạy dỗ con cái.

Ông Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết xét về góc độ xã hội thì nhiều phụ huynh xem máy tính bảng, điện thoại thông minh là “liều thuốc bổ” cho trẻ 1-2 tuổi.
“Có phụ huynh con khóc, không ăn cũng cho coi điện thoại, máy tính bảng. Cho nên suốt ngày đứa trẻ coi mấy thứ này, không tiếp xúc với ai kể cả khi vào trường sẽ dễ vấp phải chứng tự kỷ”, ông Tính khẳng định.
Theo ông Tính, tự kỷ là chứng bệnh không phải do tự nhiên mà do một phần tác động của xã hội. Nhiều phụ huynh suốt 3 tháng hè nhốt con ở nhà với thiết bị di động coi như xong nhiệm vụ mà không quan tâm đến suy nghĩ của con. Điều này đã làm cho trẻ tự kỷ với chính bản thân mình và vô cảm với người xung quanh.
Đúng nơi, đúng chuyên môn
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ, phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM, kể một câu chuyện liên quan đến trẻ tự kỷ. Đó là vào chiều 28.8, một ông bố 60 tuổi cõng đứa con hơn 4 tuổi bị tự kỷ đến nói nếu trung tâm không nhận chữa trị thì người này sẽ chết ngay tại trung tâm.

Ông Tâm kể tiếp, với trường hợp này phụ huynh phát hiện rất sớm con bị chứng tự kỷ và đưa đến bệnh viện khám. Sau khi khám xong, bệnh viện đưa ra một loạt danh sách trung tâm, cá nhân có chức năng hỗ trợ, chữa tự kỷ mà không hề có tư vấn cụ thể. Do chọn trung tâm chữa trị không tốt nên suốt 2 năm trời dù được chữa trị với phí 200.000 đồng/ngày nhưng tình trạng của bé vẫn không giảm.

“Cuối cùng phụ huynh rút ra kết luận suốt 2 năm trời đó, tình trạng của con mình không giảm gì cả mà càng ngày nặng đi”, ông Tâm nói.

Kể câu chuyện này, ông Tâm cho hay ngoài việc phát hiện sớm, phải đưa bé tới đúng nơi có chuyên môn chữa trị chứng tự kỷ. Còn nếu không phụ huynh vừa mất công sức, tiền bạc, thời gian và quan trọng nhất là đứa trẻ mất đi cơ hội can thiệp để chữa trị tốt hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.