Dịch tả lợn châu Phi: Người chăn nuôi như đang ngồi trên đống lửa

05/03/2019 13:16 GMT+7

Sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại trang trại của ông Lê Văn Thanh, ở thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định, Thanh Hóa), những hộ chăn nuôi trong khu vực có dịch đang rất hoang mang, lo lắng.

Đã 10 ngày kể từ khi phát hiện có dịch tả lợn châu Phi, nhiều gia đình có trang trại lợn tại thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa như ngồi trên đống lửa. Người chăn nuôi ở đây không chỉ phải dừng mọi hoạt buôn bán, vận chuyển lợn mà còn tiêu tốn tiền triệu mỗi ngày để mua các loại hóa chất về tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi để phòng tránh dịch bệnh lây lan.
Chị Lê Thị Hạnh, chủ trang trại lợn tại thôn Tân Ngữ 2 (cùng khu vực trang trại bị dịch của gia đình ông Lê Văn Thanh), cho biết trang trại nhà chị đang nuôi hơn 400 con lợn. Từ ngày 24.2, trang trại nằm trong vùng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, khiến những lứa lợn đủ thời gian xuất chuồng phải tuân thủ quy định, không thể bán.
Các chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hoạt động 24/24 giờ không kể ngày nghỉ, ngày lễ Ảnh Minh Hải
“Gia đình tôi cũng như các hộ có trang trại ở đây đều chấp hành đầy đủ các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh. Hiện, trang trại nhà tôi có hơn 400 con lợn, trong đó có những lứa đã đến kỳ xuất chuồng, nhưng giờ không xuất được. Mỗi ngày gia đình tôi không chỉ tốn chi phí thức ăn cho lợn còn phải tốn gần 1 triệu đồng để mua các loại hóa chất về phun tiêu độc, khử trùng khắp cả khu trang trại rộng hơn 4.000 m2. Thực tế những hộ như chúng tôi lợn không bị nhiễm bệnh nhưng do nằm trong vùng dịch nên đang phải chịu rất nhiều khó khăn”, chị Hạnh nói.
Tương tự, trang trại của bà Lê Thị Nam, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp Yên Định, nằm sát khu trang trại của gia đình ông Lê Văn Thanh cũng đang lâm vào cảnh khó khăn. Trang trại của công ty có diện tích rộng tới 13.000 m2, hiện đang nuôi 150 con lợn, trong đó, riêng lợn giống ông bà gần 100 con, giá thị trường hiện khoảng 20 triệu đồng/1 con. Số còn lại là lợn giống con, loại từ 5 - 7 kg/con, có giá từ 1,3 - 1,4 triệu đồng/con.
“Trước khi phát hiện dịch, tôi đã liên hệ với thương lái định ngày 25.2 sẽ bán hơn 50 con lợn giống con, ai ngờ trước đó 1 ngày thì phát hiện dịch nên họ không mua nữa, nên công ty đang phải tiếp tục nuôi”, bà Nam nói
Người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi Ảnh Minh Hải
Sau 10 ngày phải tiêu hủy toàn bộ lợn (226 con) trong trang trại, ông Lê Văn Thanh chưa biết làm gì trong thời gian sắp tới. Ông Thanh cho biết, đàn lợn bị dịch bệnh và phải tiêu hủy đã là thiệt hại, nhưng khó khăn hơn nữa là sau dịch việc tái đàn sẽ như thế nào, bởi người nuôi không biết trước được giá thành cao hay thấp, dịch có tiếp tục xảy ra hay không. Việc khôi phục đàn lợn như trước dịch ít nhất phải mất vài năm. Riêng năm 2019 này, chắc chắn gia đình ông không dám nuôi lại. Ít nhất phải sang năm 2020, gia đình ông mới dám tái đàn, vì phải xử lý lại chuồng trại.
Cũng theo ông Thanh, mặc dù nhà nước có hỗ trợ người chăn nuôi khi có dịch xảy ra, tuy nhiên mức hỗ trợ 38.000 đồng/1kg lợn hơi hiện nay là thấp so với giá thị trường. Trước dịch ít hôm, bà con đang bán lợn thịt với giá từ 46.000 - 47.000 đồng/1 kg. Nhất là việc hỗ trợ căn cứ trên tổng trọng lượng là chưa hợp lý, bởi giá lợn thịt với giá lợn giống thường chênh lệch rất lớn. Hiện mỗi con lợn giống có trọng lượng từ 5 - 7 kg đang được bán với giá từ 1,2 - 1,4 triệu đồng, nếu tính ra cân hơi thì giá đắt gấp nhiều lần giá lợn thịt.
“Chúng tôi cũng hiểu đây là chính sách hỗ trợ của nhà nước chứ không phải là đền bù thiệt hại nên cũng không dám đòi hỏi. Nhưng nhà nước cũng cần tính toán chính sách hỗ trợ sát hơn với giá thị trường. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ cần tính toán kỹ lưỡng, đánh giá rõ từng loại lợn để hỗ trợ cho hợp lý. Có như vậy thì may ra mới có thể giúp người nuôi bớt thiệt hại, có khả năng tái tạo đàn nuôi sau dịch”, ông Thanh nói.
Các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đang tiến hành rà soát tất cả hơn 500 trang trại lợn trên địa bàn để kiểm soát dịch Ảnh Minh Hải
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, cho biết hiện tại, toàn tỉnh có hơn 500 trang trại, hơn 2.300 gia trại và hơn 190.000 hộ chăn nuôi, với tổng đàn lợn 1,2 triệu con. Từ sau khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi nến nay, tỉnh Thanh Hóa đã đặt công tác khoanh vùng dịch, không để dịch lây lan là nhiệm vụ cấp cấp bách. Hiện trung ương đã hỗ trợ Thanh Hóa hơn 18.000 lít hóa chất và tỉnh Thanh Hóa bỏ tiền ra mua 17.500 lít hóa chất để phun tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là vùng có dịch.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã thành lập thêm 4 chốt kiểm dịch liên ngành, túc trực 24/24 giờ không kể ngày nghỉ, ngày lễ. Đặc biệt, tại ổ dịch ở huyện Yên Định, công tác kiểm soát luôn đặt trong trạng thái nghiêm ngặt, lợn và các sản phẩm từ lợn không được đưa ra vào khu vực có dịch.
“Để khoanh vùng, và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, hiện nay chúng tôi đang tiến hành rà soát hơn 500 trang trại lợn trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa, nếu phát hiện trang trại, khu vực nào có nguy cơ lây nhiễm dịch sẽ thực hiện các biện pháp phòng chống. Từ khi phát hiện dịch, chúng tôi đã lấy 158 mẫu máu và nội tạng lợn ở nhiều trang trại, địa phương khác nhau, đến ngày 4.3 không phát hiện có ổ dịch mới”, ông Giang nói.
Người chăn nuôi trong vùng dịch đang mất tiền triệu mỗi ngày để mua hóa chất về tiêu độc, khử trùng chuồng trại Ảnh Minh Hải
Về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ông Giang cũng thừa nhận là mức hỗ trợ theo quy định hiện tại thấp hơn giá thị trường. Vì vậy hiện ngành Nông nghiệp Thanh Hóa đang có đề nghị với cấp trên tăng mức hỗ trợ cho bà con.
“Nếu Nhà nước có mức hỗ trợ sát với giá thị trường hoặc bằng với giá thị trường sẽ giúp người dân bớt thiệt hại, có điều kiện khôi phục sản xuất. Đặc biệt bà con sẽ yên tâm hơn trong việc phòng chống dịch, không bán “chạy” lợn trong vùng dịch và không giấu dịch, ngăn chặn dịch lây lan sang nơi khác” – ông Giang nói.
Vị trí ổ dịch tả lợn châu Phi ở xã Định Long, huyện Yên Định, Thanh Hóa Ảnh: Google maps
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.