Dịch tả lợn châu Phi lan nhanh: Thủ tướng yêu cầu chống dịch như chống giặc

04/03/2019 14:27 GMT+7

Các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi lan nhanh đã được bàn thảo sáng nay tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương triển khai ngăn chặn dịch này với tinh thần chống dịch như chống giặc.

Sáng nay 4.3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi lan nhanh do Bộ NN-PTNT tổ chức. 
Nhấn mạnh bệnh dịch lây lan sẽ ảnh hưởng đến kinh tế đời sống người chăn nuôi, thiệt hại cho ngành nông nghiệp khi chăn nuôi là ngành hàng lớn nhưng không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Thủ tướng yêu cầu tuyên truyền về dịch bệnh rộng rãi nhưng không gây hoang mang, ảnh hưởng đến tiêu dùng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân, người chăn nuôi cam kết thực hiện không giấu dịch, không mua bán vận chuyện lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường
Liên quan đến chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, Thủ tướng đồng ý đề xuất của Bộ NN-PTNT tăng mức hỗ trợ lợn phải tiêu hủy lên mức 80% giá thị trường đối với lợn con và lợn thịt; tăng gấp 1,5 - 1,8 lần đối với lợn nái. Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, địa phương phải giám sát, công khai minh bạch, chống tiêu cực trong kê khai hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.
Cũng tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ đã bày tỏ sự không hài lòng khi một số địa phương không có lãnh đạo chủ chốt dự họp phòng chống dịch mà chỉ cử đại diện cơ quan thú y. Thủ tướng đề nghị tinh thần chống dịch bệnh tả lợn châu Phi phải như chống giặc, không chỉ là việc làm của cơ quan thú y, mà cần sự chung tay vào cuộc, hành động của các bộ, ngành, chính quyền các cấp.
“Chống dịch không chỉ là việc của thú y, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước  về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi ở địa phương mình quản lý”, Thủ tướng nhấn mạnh, và đề nghị ngay sau hộ nghị này, việc cấp bách chống dịch phải được triển khai ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.

Bổ sung hỗ trợ lợn bệnh lở mồm long móng, tai xanh

Cùng chủ trì hội nghị trực tuyến, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý bệnh dịch chưa hoàn toàn khống chế ở địa phương có dịch, mà còn phát hiện thêm ở các địa phương khác. Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương tổ chức triển khai các biện pháp ngăn chặn người dân bán tháo, kiểm soát vận chuyển…để không lây lan đang là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ ngành khác soạn thảo ngay văn bản công khai mức hỗ trợ Thủ tướng đã đồng ý tại hội nghị. Nhưng bổ sung thêm 2 loại bệnh trên đàn lợn cùng được hưởng chế độ hỗ trợ là bệnh lở mồm long móng, lợn tai xanh.
“Chính sách hỗ trợ cần công khai, minh bạch đến người dân, lợn bệnh gì khai báo ngay để được hỗ trợ, để cơ quan chức năng dễ kiểm soát bệnh dịch”, Phó thủ tướng nói.
Cũng theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng; không gây bệnh cho các loài động vật khác, lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%. Bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn, không lây nhiễm và gây bệnh ở người.
Vi rút bệnh tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn. Bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm thịt lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư... các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người.
Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia, theo báo cáo của Tổ chức Thú y thế giới, trong khi tính đến ngày 3.3, trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh dịch này. Còn tại Trung Quốc, bệnh dịch tả lợn châu Phi có ở 28 tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều tỉnh giáp với bên giới Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.