Dịch lan nhanh, các tỉnh lúng túng

15/03/2019 09:02 GMT+7

Khi dịch bùng phát ở các trang trại lớn, số lượng lợn tiêu hủy một lúc lên đến hàng trăm con khiến lực lượng chức năng vất vả để huy động người đi tiêu hủy.

Chiều 14.3, bà Nguyễn Thị Len, Chủ tịch UBND xã Chính Mỹ (H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng), cho biết: “Gần một tháng nay, kể từ khi phát dịch, ngày nào cũng phải tiêu hủy lợn. Cả xã có hơn 2.000 con lợn thì tiêu hủy quá nửa rồi”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói về giải pháp ngăn chặn, kiểm soát dịch tả lợn châu Phi
Theo bà Len, lợn được nuôi rải rác trong dân. Khi có bệnh, người chăn nuôi di chuyển đi báo dịch vô tình đã mang theo mầm bệnh. Nhiều phương tiện, người dân ra vào vùng có dịch chưa được phun thuốc khử trùng kịp thời. Ngoài ra, khi dịch bùng phát ở các trang trại lớn, số lượng lợn tiêu hủy một lúc lên đến hàng trăm con khiến lực lượng chức năng vất vả để huy động người đi tiêu hủy.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Chuyến, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, cho biết thêm, trên địa bàn TP chỉ có một vài cơ sở giết mổ tập trung đạt tiêu chuẩn, có cán bộ thú y thường trực còn lại đa số là nhỏ lẻ, do người dân tự tổ chức. Dù cố gắng nhưng để kiểm soát hết những cơ sở nhỏ lẻ này là rất khó khăn vì không có đủ nhân lực.
Tại Quảng Ninh, ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, cho biết hiện nay dịch tả lợn châu Phi đã bắt đầu lây lan ra một số địa phương ven biển và là vùng trũng của tỉnh này như: TX.Quảng Yên, TP.Uông Bí, H.Hải Hà, TX.Đông Triều.
Tính đến chiều 14.3, toàn tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện 24 ổ dịch tả lợn châu Phi ở 10 xã; lực lượng chức năng đã tiêu hủy 663 con lợn với tổng trọng lượng hơn 32,6 tấn. Như vậy, chưa đầy 20 ngày (ổ dịch phát hiện đầu tiên tại địa phương này là ngày 24.2), tỉnh Thanh Hóa đã có tới 24 ổ dịch.
Liên quan đến công tác khoanh vùng, phòng chống dịch, ông Trịnh Văn Súy, Chủ tịch UBND H.Thiệu Hóa, cho biết UBND huyện và xã đã thành lập tổng cộng 90 chốt kiểm dịch để khoanh vùng, phòng chống dịch. Tuy nhiên, mức hỗ trợ đối với cán bộ trực chốt cấp huyện là 100.000 đồng/người/ngày, cấp xã thì thấp hơn nên gặp không ít khó khăn trong bố trí, sắp xếp con người. Ngoài ra, do dịch không có dấu hiệu bị khống chế, nên hiện các hộ chăn nuôi hết sức lo lắng.
Trong quá trình phòng chống dịch ở Thanh Hóa còn xảy ra nhiều kẽ hở. Cụ thể, ngày 8.3, Chi cục Thú y tỉnh đã quyết định tạm dừng vai trò trưởng chốt kiểm dịch Tĩnh Gia đối với ông Lê Đắc Lợi, cán bộ thuộc Chi cục Thú y Thanh Hóa do trong quá trình kiểm soát các phương tiện vận chuyển lợn từ bắc vào nam và ngược lại, đã để xe chở lợn qua chốt nhưng không tiêu độc, khử trùng theo quy định.
Tại chốt kiểm dịch Cây Gạo, thuộc TT.Vạn Hà (H.Thiệu Hóa) hôm 11.3 người dân phát hiện một số người được giao nhiệm vụ trực chốt nhưng đã ngồi đánh bài, mặc cho các phương tiện giao thông ra vào vùng dịch (vùng dịch xã Thiệu Phúc, giáp ranh TT.Vạn Hà).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.