Địa phương nói gì về việc Bộ Quốc phòng từ chối bàn giao 35 ha đất sân bay Khâm Đức?

Hữu Trà
Hữu Trà
17/05/2018 11:54 GMT+7

Ngày 17.5, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết năm 2017 đại diện Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 đã đến Phước Sơn thị sát, kiểm tra hiện trạng Sân bay Khâm Đức (H.Phước Sơn) trước kiến nghị bàn giao 35 ha đất sân bay cho địa phương quản lý để phát triển kinh tế xã hội.

“Nếu Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng đã quyết định giữ lại Sân bay Khâm Đức để phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn… thì địa phương chấp hành”, ông Nguyễn Mạnh Hà nói và cho biết thêm 13 hộ dân chiếm dụng hơn 17.000 m2 đất trong khu vực quản lý của sân bay, đã cư trú, tổ chức sản xuất từ những năm 1980.
“Những hộ dân này là người địa phương và những hộ dân đi kinh tế mới từ các huyện đồng bằng lên Phước Sơn từ lâu. Nếu Bộ Quốc phòng đã quyết định phần diện tích đất chiếm dụng này không ảnh hưởng đến quy hoạch của sân bay cho nhiệm vụ mới, đồng thời bàn giao phần diện tích mà 13 hộ dân chiếm dụng cho địa phương quản lý thì căn cứ vào thực tế sử dụng đất, huyện sẽ tiến hành làm các thủ tục giao đất cho người dân, để bà con ổn định sản xuất, sinh hoạt”, ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay.
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, Bộ Quốc phòng vừa có văn bản tổng hợp trả lời kiến nghị cử tri, theo đó đã từ chối đề nghị bàn giao cho Quảng Nam 35 ha đất của sân bay Khâm Đức để phát triển kinh tế - xã hội địa phương của cử tri tỉnh này. Theo Bộ Quốc phòng, sân bay Khâm Đức đã được phê duyệt quy hoạch đất quốc phòng do quân đội quản lý trên địa bàn Quân khu 5 tại quyết định của Thủ tướng năm 1997 và nghị quyết của Chính phủ năm 2014. Khi cử tri địa phương có kiến nghị trả lại vào năm 2016, Bộ Quốc phòng cũng đã có công văn trả lời, cho rằng “việc chuyển giao đất quốc phòng sân bay Khâm Đức cho địa phương sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng của các đơn vị quân đội”.
Sân bay chiến lược
Theo tài liệu được UBND H.Phước Sơn còn lưu trữ đề cập đến địa danh Khâm Đức, đây là địa bàn trọng yếu về quân sự, từ năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập Q.Phước Sơn. Năm 1961, quyết định xây dựng sân bay quân sự Khâm Đức để ứng cứu các cứ điểm trong vùng, khu vực Tây nguyên và vùng Hạ Lào, hoàn thành xây dựng sân bay vào năm 1963.
Cũng trong năm 1963, Mỹ thành lập Trại Lực lượng đặc biệt Khâm Đức (Trung tâm huấn luyện biệt kích toàn miền Nam). Năm 1965, Mỹ áp dụng chiến lược chiến tranh cục bộ, đẩy mạnh kế hoạch tìm và diệt, chúng tiếp tục thành lập Chi khu quân sự Khâm Đức, biến nơi đây thành Cụm cứ điểm quân sự liên hoàn vững chắc, có sây bay, trung tâm huấn luyện biệt kích và chi khu quận lỵ. Cùng với căn cứ quân sự Ngok TaVak (xã Phước Mỹ, H.Phước Sơn), giặc thường xuyên đánh phá vùng giải phóng, sát hại đồng bào và cung cấp thông tin tình báo để máy bay, pháo binh địch ném bom, bắn phá hành lang chiến lược, cắt đứt sự chi viện của ta ra chiến trường, gây biết bao tội ác với cách mạng và nhân dân.
Đầu tháng 3.1968, Bộ tư lệnh Quân khu 5 giao cho Sư đoàn 2 phối hợp với các lực lượng H.Phước Sơn tiêu diệt căn cứ quân sự Khâm Đức, giải phóng H.Phước Sơn nhằm khai thông hành lang chiến lược và mở rộng vùng hậu cứ cách mạng. Đêm 9 rạng sáng ngày 10.5.1968, các hướng, các mũi của Trung đoàn 1 đã tấn công cứ điểm Ngok TaVat. Qua hơn một ngày đêm chiến đấu ngoan cường, đến 15 giờ ngày 10.5, quân ta làm chủ hoàn toàn Ngok TaVat. Đêm 11 rạng sáng 12.5.1968, Tiểu đoàn Đặc công (Trung đoàn 1, Trung đoàn 21, Sư đoàn 2 cùng bộ đội H.Phước Sơn) tiến công tiêu diệt các cứ điểm ngoại vi D, E, H, I, K. nã pháo dữ dội vào Sân bay Khâm Đức. Đến trưa ngày 12.5.1968, quân và dân ta đã làm chủ hoàn toàn chiến trường Khâm Đức - Ngok TaVak.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.