Đi xe máy dưới 50 cm3 sẽ phải có bằng lái: Nên làm từ lâu

19/12/2020 06:27 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng việc phải học, thi lấy bằng lái xe đối với những người điều khiển xe máy điện, xe máy dưới 50 cm 3 là cần thiết và lẽ ra phải làm từ lâu.

Như Thanh Niên thông tin, trong “Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, ở nhóm giải pháp về người điều khiển phương tiện, Chính phủ thống nhất điều chỉnh phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ cho phù hợp với Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ và đặc thù phương tiện tại Việt Nam; đào tạo, cấp GPLX cho người điều khiển xe máy có dung tích xy lanh dưới 50 cm3 (xe máy dưới 50 cc - PV) hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4 kW...
Theo nghiên cứu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam về tham gia giao thông của học sinh tại Hà Nội cho thấy học sinh THPT là đối tượng dễ bị tổn thương, chiếm 80 - 90% các vụ tai nạn liên quan trẻ em. Phần lớn tai nạn liên quan đến học sinh đi xe máy điện, xe máy dưới 50 cc, trong khi học sinh đi loại xe này không được trang bị kiến thức về tham gia giao thông an toàn, không phải học bằng lái, không phải sát hạch.

Muộn còn hơn không

Phản hồi về thông tin này, ý kiến bạn đọc (BĐ) đều đồng tình ủng hộ. “Việc này lẽ ra phải làm từ lâu, tham gia giao thông mà chưa biết gì về luật nên các em tha hồ dàn hàng, phóng nhanh, lạng lách, không đội nón, vượt đèn đỏ...”, BĐ Thành Phước nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ N.Phong cho rằng: “Muộn nhưng còn hơn không. Tất cả mọi thành phần tham gia giao thông đều phải tuân theo luật. Tuy nhiên, phần lớn là độ tuổi học sinh nên các cơ quan chức năng cũng nên sắp xếp thời gian việc học luật, sát hạch cho hợp lý. Thêm một kênh giáo dục người trẻ tuân theo luật pháp cũng là cái hay”.
“Tôi ủng hộ quy định này. Rất hay và cần thiết. Giờ ra đường là thấy học sinh chạy xe máy điện, xe 50 phân khối hoặc cả trăm phân khối rất hỗn loạn, vi phạm luật giao thông, vượt đèn đỏ, dàn hàng hai hàng ba nghênh ngang trên đường... nhiều khi gây tai nạn cho mình và người khác”, BĐ Trúc Giang ý kiến.

Cho học luật giao thông ở trường càng sớm càng tốt

Nhiều ý kiến cho rằng với tình trạng giao thông hỗn loạn như hiện nay, cũng như ý thức của nhiều người tham gia giao thông rất kém, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đưa luật giao thông vào giảng dạy ở trường học càng sớm càng tốt. Đồng thời xem đây là một môn học chính khóa, chứ không phải là ngoại khóa hay các buổi nói chuyện chuyên đề.
“Đã đến lúc chúng ta phải cho “phổ cập” luật giao thông ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi vào cấp 2 thì học sinh phải có chứng chỉ học về an toàn giao thông. Sau đó tiếp tục tổ chức cho học sinh học về luật Giao thông đường bộ. Khi đủ tuổi sẽ tổ chức cho các em thi lấy GPLX”, BĐ Ái Phương đề nghị.
Tương tự, BĐ Ngô Thanh rất ủng hộ quy định này và mong sớm áp dụng. “Bằng lái là một chuyện, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông, nhất là các em học sinh. Mà cái này thì không thể một sớm một chiều có ngay, nó phải là quá trình giáo dục từ nhà trường và gia đình. Cần cho các em học về an toàn giao thông ngay từ khi còn nhỏ. Khi đó các em sẽ có những kiến thức tối thiểu về luật Giao thông đường bộ, qua đó ý thức tham gia giao thông cũng được nâng cao”, BĐ Ngô Thanh ý kiến.
“Việc đưa vào giảng dạy sớm sẽ giúp các em có những kiến thức cần thiết về luật Giao thông đường bộ. Giống như đây là những kiến thức phổ thông cần phải có. Qua đó cũng sẽ giúp các em hình thành ý thức tốt khi tham gia giao thông”, BĐ Ngọc Giang viết.
Hoàn toàn nhất trí. Cần áp dụng càng sớm càng tốt.
Trúc Lê
Rất ủng hộ. Mong các cơ quan chức năng triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để quy định này phát huy tác dụng một cách tối đa.
Ngọc Thảo
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.