Đi tìm những thương binh nặng trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm

26/02/2006 22:56 GMT+7

Kỳ 1: Từ những cuộc gọi ven rừng ba biên giới... Bác sĩ Đặng Thùy Trâm vừa được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Tuy thế, câu chuyện về chị vẫn là bất tận. Tiếp nối hai loạt bài từng đăng trên Thanh Niên, mới đây chúng tôi lại vượt cả ngàn cây số đi tìm dấu vết 5 thương binh nặng mà chị từng ghi trong nhật ký.

Sau hai chuyến cập nhật các nguồn tin mới tại đất lửa Phổ Cường, một ngày cuối năm 2005, từ Đà Nẵng, chiếc xe hai cầu đưa chúng tôi vượt gần 700 km tiến vào vùng rừng giáp ranh ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận. Tỉnh lộ 710 đầy ổ gà, ổ trâu xuyên qua Tân Minh, Suối Kiết, Bà Tá, ngã ba Xác Chết... những địa danh ngày nào các đồng nghiệp cùng tôi băng qua, leo lên núi Xã Dú tìm dấu vết đàn voi hung hãn. Đông Nam Bộ đã mùa khô nhưng thị trấn Võ Xu đón khách phương xa bằng trận mưa như trút. Thỉnh thoảng vài cụm dân cư người Kinh, người Raglay lướt qua trong ánh điện vàng nhập nhoạng sau những đoạn dài đen đặc bóng đêm. Cuối cùng, những dãy phố lèo tèo hiện ra trong thinh lặng.

Tin ban đầu cho biết, có một thương binh nặng thuở nào đang sinh sống tại đây. Tuy nhiên, chúng tôi không thể dừng chân bởi chưa biết nhà ông và cũng bởi bạn đọc Nguyễn Lâm Cúc - người cung cấp nguồn tin nóng sau loạt bài Đi tìm dấu vết bác sĩ Đặng Thùy Trâm - đang thức chờ cửa tại khu Võ Đắc, miền đất ông hoàng Bảo Đại từng đến săn voi. Tấp vội vào ngôi nhà trọ, sau đó chúng tôi có cuộc hội ý tại một quán ăn "hoang dã".


Mẹ già 92 tuổi bên di ảnh con trai 22 tuổi, Huỳnh Thanh Niên

Trước khi vào Võ Xu (Đức Linh, Bình Thuận) gặp anh Phan Long Chín, chúng tôi đã đến Phổ Ninh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) tìm gặp gia đình anh thương binh nặng tên Niên (tên đầy đủ là Huỳnh Thanh Niên), chiến sĩ Đội an ninh thị trấn, 19 tuổi, như chị Đặng Thùy Trâm ghi trong nhật ký.

Tiếp chúng tôi, cạnh hai anh Tư Giáp và Chín Nhẫn (anh em ruột của anh Niên) là bà Nguyễn Thị Hiến, mẹ của anh Niên. Năm nay đã 92 tuổi nhưng trông bà vẫn khỏe, không nhầm lẫn. Cái gì nhớ bà nói nhớ, cái gì quên bà nói quên. Theo đó, anh Niên tuổi Dần (sinh năm 1950), là con trai thứ năm trong sáu người con của bà. Trước 1975, hai ông bà tản cư ra ngoài quốc lộ 1 nhưng hằng ngày vẫn về vùng giải phóng - cách vài cây số - làm ruộng, tiếp tế nuôi anh Huỳnh Thanh Niên và anh Huỳnh Sáu (sinh năm 1954, hy sinh năm 1973). Sau ngày chị Đặng Thùy Trâm hy sinh, anh Niên được đồng đội chuyển đến chỗ khác, tiếp tục điều trị.

Đến 1972, anh lại bị thương, điều trị tại bệnh xá mới. Tại đây, pháo hạm của Mỹ từ biển chụp vào, giết chết anh. Đến lúc này, gia đình liệt sĩ Huỳnh Thanh Niên vẫn chưa tìm được mộ của anh. Trong nhật ký ngày 17/6/1970, chị Trâm viết: "Niên năm nay mười chín tuổi, em công tác ở Đội an ninh thị trấn. Đó là một cậu bé rất xinh trai, khuôn mặt đầy đặn, sóng mũi cao và đôi mắt to dưới hàng mi rậm. Những lúc đau đớn, Niên nhìn mình với đôi mắt long lanh nước mắt. Niên bị thương trong lúc đi công tác, vết thương làm chảy máu thứ phát ở động mạch chằng trước.

Mình mới mở buộc động mạch được ba bốn bữa thì bom dội xuống bệnh xá, Niên bị cây gỗ trong hầm đè gãy chân đúng ngay chỗ vết mổ. Mười hai ngày qua, mình lo lắng chân em sẽ chảy máu lại, nếu vậy sẽ khó bảo tồn nổi. Hôm nay sự nguy hiểm ấy qua rồi, nhưng nếu địch ập đến... em sẽ chết ư Niên? Lòng mình đau như cắt, không biết nói thế nào và làm cách nào để bảo vệ những người thương binh bọn mình đã tận tình phục vụ với bao nhiêu gian khổ trong bao nhiêu ngày qua".

Những tiết lộ từ Nguyễn Lâm Cúc giúp tôi tĩnh trí: không chỉ có anh thương binh Phan Long Chín (còn gọi Chín Cụt) mà ở Võ Xu còn có bà Phan Thị Cát (thường gọi Năm Trưng), người từng khiêng anh Chín lên núi và ông Nguyễn Kỳ (còn gọi Sáu Kỳ), y sĩ cùng tổ điều trị, từng một thời sát cánh với chị Thùy Trâm trên các bệnh xá Đồng Răm, Hóc Bầu, Hố Sâu. Sau ngày chị Trâm hy sinh, ông Kỳ liền báo cho mẹ và chị của anh Chín ở Phổ Cường lên bệnh xá, chuyển anh vào Sài Gòn chữa trị tiếp. "Một vết thương, hai chiến tuyến" - tôi nói như reo! Chả bù trước đó, tôi bán tín bán nghi khi áp tai nghe những cuộc điện thoại hụt sóng, đầy thúc hối về chuyện "vẫn còn một thương binh sống sót".

Nguyễn Lâm Cúc nhanh chóng thống nhất phương án tiếp cận anh Phan Long Chín, người chưa bao giờ đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Theo đó, để không bị tác động bởi những thông tin nhầm nhiễu, chị và tôi sẽ lần lượt gặp bà Phan Thị Cát, anh Phan Long Chín và ông Nguyễn Kỳ. Họ cùng quê Phổ Cường và là những chứng nhân. Cả ba từng gặp chị Đặng Thùy Trâm và từng khóc chị trong một ngày tháng 6 năm 1970.

Nhưng rồi, tôi bất giác nghĩ, liệu anh Phan Long Chín có là một trong 5 thương binh nặng của chị Đặng Thùy Trâm? Anh có tự kỷ ám thị hoặc bị ai tác động về chuyện sẽ trở thành người nổi tiếng? Nếu đúng là anh, liệu những thông tin từ anh có phù hợp nội dung những tài liệu tối mật của quân đội Mỹ? Hoặc ký ức xa mờ của anh và người chị ruột có "phản bội" chúng tôi? Mới hôm qua, Nguyễn Lâm Cúc nói qua điện thoại, tính khí anh Chín đôi lúc thất thường. Ông Sáu Kỳ vào thăm, bị anh ta "quạt" cho một trận. Bà Năm Trưng cũng từng bị anh nổi cơn điên cầm cây rượt chạy! Tuy vậy, khi được biết đây là lần đầu tiên anh Chín gặp báo chí, bạn đọc Lâm Cúc và tôi lại tỏ rõ quyết tâm. Nguồn tin mới, rất nóng, nhiều hứa hẹn, không thể bỏ qua. Vả lại, mình đã vượt trên 700 km đến với anh, chắc anh sẽ đáp lại bằng sự tỉnh táo, chân thành... Tôi thầm nghĩ và chìm sâu trong đêm Võ Đắc. (còn tiếp)

Đặng Ngọc Khoa

 

 

 


 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.