Đi làm công lấy thuốc phiện

31/05/2015 06:07 GMT+7

Một số người dân tộc thiểu số, người nghiện tại các bản dọc biên giới thuộc huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa) sang các bản làng bên Lào, đổi công trồng cây anh túc lấy thuốc phiện để hút hoặc lấy quả của thứ cây này đem về bán cho dân mê rượu “độc” dưới xuôi.

Một số người dân tộc thiểu số, người nghiện tại các bản dọc biên giới thuộc huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa) sang các bản làng bên Lào, đổi công trồng cây anh túc lấy thuốc phiện để hút hoặc lấy quả của thứ cây này đem về bán cho dân mê rượu “độc” dưới xuôi.

Hoa anh túc nở bạt ngàn trên nương rẫy của người Mông ở bản Khằm Nàng (Lào) - Ảnh: Công An H.Mường Lát cung cấp
Hoa anh túc nở bạt ngàn trên nương rẫy của người Mông ở bản Khằm Nàng (Lào)
- Ảnh: Công An H.Mường Lát cung cấp
Những bản Khằm Nàng, Na Hàm, Hin Đăm của cụm bản Nậm Ngà (thuộc H.Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào) từ lâu đã trở thành điểm “nóng”, là đầu mối trung chuyển ma túy lớn từ bên Lào vào địa bàn Thanh Hóa. Không những thế, cụm bản thuộc diện vùng sâu vùng xa nhất của tỉnh Hủa Phăn này còn được biết đến như là một trong những nơi trồng nhiều cây anh túc.
Lấy ít thuốc về sử dụng
Đứng ở bản Kéo Té (xã Nhi Sơn, H.Mường Lát) có thể nhìn rõ từng nếp nhà của bản Khằm Nàng. Dẫn chúng tôi ngang qua những nương, rẫy giáp đường biên, trong đó có cánh rẫy trước đây từng trồng thuốc phiện của gia đình mình, Thao A.D (ngụ xã Nhi Sơn), bảo: “Ngày xưa cây anh túc trồng ở đây nhiều lắm. Mỗi năm gia đình tao cũng thu hoạch được gần 2 tạ nhựa. Từ khi nhà nước cấm, tao và bà con trong bản không dám trồng nữa. Bây giờ, một số người có bà con, họ hàng bên Lào và mấy đứa nghiện, hằng năm phải sang Lào xin đổi công, trồng giúp cây anh túc, để lấy ít thuốc về sử dụng”.
Hai nghi phạm buôn quả anh túc cùng tang vật vừa bị Đồn biên phòng Pù Nhi bắt giữ - Ảnh: Ngọc Minh
Hai nghi phạm buôn quả anh túc cùng tang vật vừa bị Đồn biên phòng Pù Nhi bắt giữ
 - Ảnh: Ngọc Minh
Theo lời Thao A.D, từ xưa trong mỗi gia đình người Mông thuốc phiện vẫn được cất trữ gối từ vụ này sang vụ sau. Thuốc phiện không chỉ để những người nghiện hút mỗi lúc lên cơn, mà nó còn như một thứ “thuốc dấu” để người Mông giữ nhà. Phụ nữ Mông sau kỳ sinh nở, thường nuốt một mẩu thuốc phiện bằng hạt ngô để... chiết dạ và đuổi tà ma. Họ nghĩ nếu không được uống thuốc phiện sau sinh, người đàn bà sẽ rất khó khăn trong việc sinh nở lần sau. Trước đây, mỗi khi trong nhà có người bị ốm đau bệnh tật, việc trước tiên là người Mông sẽ mang “thuốc dấu” ra dùng. Tất tần tật các loại bệnh từ đau bụng, thổ tả, kiết lỵ, đến chứng ngứa ghẻ, hắc lào, rồi cả những bệnh xã hội như lậu, giang mai đều được chữa trị bằng... thuốc phiện!
Vào năm 1998 - 1999, khi người viết theo chân đoàn công tác liên ngành của tỉnh Thanh Hóa rà soát và triệt phá cây anh túc, thì loài cây độc hại này vẫn được trồng rất nhiều trên các nương, rẫy của người Mông ở các xã Trung Lý và Pù Nhi (nay xã Pù Nhi được tách ra thành hai xã Pù Nhi và Nhi Sơn), H.Mường Lát và kéo sang những nương, rẫy của người Mông bên Lào. Giờ đây ở Mường Lát, cây anh túc gần như đã bị xóa bỏ hoàn toàn, nhưng ở những bản làng của người Mông bên Lào, thứ cây này vẫn đang được trồng.
Thao A.D bảo cách đây độ vài năm, chỉ cần vượt sang bên kia biên giới là có thể bắt gặp những nương, rẫy thuốc phiện của người Mông ở bàn Khằm Nàng, Na Hàm, Hin Đăm được trồng bạt ngàn. Nhưng gần đây, người Mông bên Lào không dám trồng giáp đường biên vì sợ Bộ đội biên phòng VN phát hiện khi đi tuần tra biên giới, báo với chính quyền bên Lào triệt xóa. Người dân bản Khằm Nàng, Na Hàm, Hin Đăm đã lùi sâu vào đất của họ từ 1 - 2 km mới dám trồng cây anh túc. “Ngày trước, cứ vào cuối mùa thu hoạch nhựa thuốc phiện, bà con bên đó lại đốt bỏ cây, quả khô để trỉa ngô, chờ đến tháng 10, tháng 11 âm lịch mới gieo lại cây thuốc phiện. Giờ thì họ thu hoạch cả quả về phơi khô bán cho người Kinh của VN mang về ngâm rượu”, Thao A.D nói.
Mót quả anh túc ngâm “rượu cường dương”
Trước đây, những người Mông nơi biên viễn chắc chẳng thể ngờ có ngày cái thứ quả khô khốc, kiệt nhựa mà xưa kia họ phải đốt bỏ sau mỗi kỳ thu hoạch, giờ lại đang được những người miền xuôi săn lùng như một thứ thần dược... Từ thứ bỏ đi, quả anh túc bỗng nhiên được giá, trung bình mỗi ký quả anh túc tươi đã bị rạch lấy nhựa được bán với giá từ 300.000 - 500.000 đồng/kg; quả khô được bán với giá từ 700.000 - 800.000 đồng/kg. Nếu là quả tươi chưa bị rạch lấy nhựa kèm thân cây còn cả rễ, giá bán có thể lên tới trên 1 triệu đồng/kg.
Trước nhu cầu của khách mua, những người Mông dọc tuyến biên giới của H.Mường Lát đã cắt rừng sang Lào mót quả anh túc khô về bán. Vì những bản làng người Mông nằm dọc hai bên biên giới Việt - Lào vốn có quan hệ họ hàng gần gũi, nên việc xin mót lại quả anh túc sau khai thác nhựa cũng chẳng khó khăn gì. Ngay như Thao A.D cũng từng sang bên Lào mót quả anh túc về bán, có ngày kiếm được 5 - 7 triệu đồng. Nhưng 2 năm gần đây, Bộ đội biên phòng và công an truy bắt quá gắt gao, người Mông bên Lào cũng không cho lấy quả nữa, nên Thao A.D mới thôi.
“Giờ thì bà con bên Lào cũng biết quả anh túc được bà con bên mình sang mót về bán lại cho người miền xuôi ngâm rượu với giá cao, nên bà con bên đó không cho mót nữa. Bây giờ muốn dùng, mình phải sang mua mới có. Nhiều người cũng còn sang mót quả, nhưng là mót... trộm thôi”, Thao A.D nói.
Trả lời Thanh Niên, thiếu tá Lê Xuân Tố, Phó trưởng công an H.Mường Lát, cho biết khoảng vài ba năm trở lại đây, trên địa bàn các huyện vùng cao biên giới của Thanh Hóa, người ta rỉ tai nhau ca tụng loại rượu ngâm quả anh túc như một thứ “thần dược” chuyên trị bệnh yếu sinh lý ở đàn ông. Tin đồn từ miền thượng theo chân những người Kinh lên làm ăn lan xuống miền xuôi nhanh chóng. Vậy là từ dưới xuôi, những đấng nam nhi thì thào, thậm thụt nhờ người quen tìm mua quả anh túc về ngâm rượu để chứng tỏ... bản lĩnh đàn ông.
“Bản thân những đồng bào Mông đi mót, đi xin quả anh túc từ những gia đình bà con bên Lào về cũng không ý thức được mình đang phạm pháp. Họ nghĩ đơn giản là nhà nước cấm mua bán ma túy tổng hợp và thuốc phiện, còn cái thứ quả khô kiệt nhựa ấy có lấy về dùng, hoặc mang bán kiếm lời chắc cũng không việc gì. Sau khi công an và Bộ đội biên phòng tuyên truyền và bắt giữ nhiều đối tượng vận chuyển quả anh túc, giờ thì tình hình bà con sang Lào mang quả anh túc về địa bàn đã giảm đi nhiều và không còn ngang nhiên như trước nữa”, thiếu tá Tố nói.
Đại úy Nguyễn Hữu Hùng, Đồn phó Đồn biên phòng Pù Nhi, cho biết từ năm 2013 đến nay, Bộ đội biên phòng Thanh Hóa phối hợp với Ban An ninh tỉnh Hủa Phăn (Lào) triệt xóa được nhiều ổ nhóm buôn bán ma túy ở khu vực giáp biên giới.
Đặc biệt, qua công tác trinh sát, Bộ đội biên phòng đã phối hợp với bạn phát bỏ nhiều nương, rẫy trồng anh túc với diện tích lớn ở Lào, giáp với biên giới 2 xã Pù Nhi và Nhi Sơn (H.Mường Lát), đồng thời phát hiện một số người Mông của xã Nhi Sơn lén lút sang Lào làm thuê, đổi công trồng anh túc lấy thuốc hút. Sự việc đã được các lực lượng chức năng của H.Mường Lát thông báo cho Ban An ninh H.Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.