Đến tháng 9 có thể nhận thêm 6 triệu liều vắc xin

Liên Châu
Liên Châu
16/06/2021 08:14 GMT+7

Từ nay đến tháng 9, Việt Nam có thể nhận thêm 3 triệu liều vắc xin của AstraZeneca và 3 triệu liều của Pfizer.

Chủ trì cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc chiều 15.6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đang tiếp tục tìm kiếm thêm vắc xin từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu để đạt mục tiêu 150 triệu liều vắc xin như Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Để phục vụ chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19, trong nước sẽ thiết lập 8 kho bảo quản vắc xin, trong đó 1 kho tại Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và 7 kho tại 7 quân khu trong toàn quốc để khi vắc xin về sân bay là ngay lập tức vận chuyển về các kho này bảo quản. Các kho đều phải đạt tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP), từ đó các xe lạnh vận chuyển vắc xin tỏa đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc. Ngay từ bây giờ, các đơn vị cần thiết lập rất nhanh các kho, rà soát, kiểm tra lại các yếu tố liên quan đến hậu cần, vật chất, hệ thống dây chuyền lạnh, máy phát điện để bổ sung, khắc phục ngay những yếu tố chưa đủ điều kiện nhằm đảm bảo các tiêu chí về bảo quản vắc xin an toàn.

Sáng 16.6: Thêm 92 ca Covid-19, TP.HCM có 20 bệnh nhân

Theo Bộ Y tế, tất cả các điểm tiêm chủng lần này hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Để thực hiện được, toàn quốc phải đẩy nhanh áp dụng sổ sức khỏe điện tử, đăng ký tiêm chủng qua app và tin nhắn. Mỗi người dân khi nhận được tin nhắn mời đăng ký tiêm, cũng cần có tin nhắn phản hồi để làm sao khi vắc xin về sẽ có tin nhắn mời người dân đi tiêm.
Điều này có nghĩa là mọi thông tin về tiêm chủng phải thể hiện trên hệ thống điều hành tiêm chủng online. Hệ thống sẽ gửi tin nhắn thông báo cho người đăng ký thời gian tiêm và điểm tiêm. Khi đến tiêm, sẽ check mã QR code và qua khám sàng lọc sẽ điền thông tin trên hệ thống. Khi đạt yêu cầu về sức khỏe thì tiêm và điền vào mục đã tiêm chủng, là điều kiện để quản lý hồ sơ “hộ chiếu vắc xin”.
Sau tiêm hệ thống sẽ nhắc 2 tiếng/lần theo dõi phản ứng sau tiêm chặt chẽ. Đối với những người không dùng điện thoại smartphone, sẽ có đầu số tổng đài nhắn những thông tin cụ thể liên quan đến tiêm chủng. Hệ thống sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vắc xin được sử dụng.
Theo GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ nguồn của Covax facility. Số vắc xin này sẽ được phân bổ cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 và các tỉnh có khu công nghiệp.
Với nguồn vắc xin nhập khẩu, từ nay đến hết quý 3, Việt Nam cũng sẽ nhận thêm 2 triệu liều vắc xin AstraZeneca do Bộ Y tế đặt mua thông qua Công ty VNVC. Ngoài ra, theo thông báo của Pfizer, trong quý 3, hãng dược này có thể chuyển về Việt Nam 3 triệu liều vắc xin, số còn lại sẽ tập trung trong quý 4. Tuy nhiên, thời gian và số lượng cụ thể có thể thay đổi do phụ thuộc tình hình thế giới. Như vậy, từ nay đến tháng 9, Việt Nam có thể nhận thêm 3 triệu liều vắc xin của AstraZeneca và 3 triệu liều của Pfizer.

Bản tin Covid-19 ngày 15.6: Nỗi lo mới từ điểm nóng dịch bệnh

Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, vắc xin Covid-19 có thời hạn sử dụng ngắn, chỉ khoảng 6 tháng, trong khi thời gian từ nhà sản xuất đến Việt Nam mất khoảng 2 tháng, do đó, khi về đến Việt Nam, thời gian chỉ còn 3 - 4 tháng để triển khai tiêm. Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc đề nghị các địa phương, các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin. Cũng theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, với vắc xin Covid-19 của AstraZeneca hiện được tiêm rộng rãi tại Việt Nam, Bộ Y tế hướng dẫn tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 từ 8 - 12 tuần, vì khoảng cách này đạt được miễn dịch tốt, và tốt nhất là khoảng cách 12 tuần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.