Đến tận nhà chở cử tri đi bầu cử

22/05/2016 15:50 GMT+7

84 cử tri người dân tộc Chứt tại bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã được Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đến tận nhà chở đi bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mới tờ mờ sáng, không khí tại tổ bầu cử số 1, xã Hương Liên đã rộn ràng. Nhiều cử tri, trong đó có các cử tri người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đã có mặt từ rất sớm, ngồi kín hội trường nghe các thành viên trong hội đồng bầu cử giải thích về quyền và nghĩa vụ của việc bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. 
Trung tá Dương Văn Tịnh, Trạm trưởng Trạm biên phòng bản Rào Tre (Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh) cho biết, vì quãng đường từ nhà tới tổ bầu cử số 1, xã Hương Liên tương đối xa, đa phần người dân tộc Chứt tại đây lại không có phương tiện đi lại, nên từ 5 giờ sáng, đơn vị này đã  phải cử người đến từng nhà vận động các cử tri đến tập trung tại trạm rồi sau đó dùng ô tô, xe máy chở đi bỏ phiếu. 
Cũng theo trung tá Tịnh, năm 1991, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đưa nhóm người Chứt được phát hiện trong hang đá trên dãy Trường Sơn về định cư, lập nên bản Rào Tre. Sau 26 năm, từ 90 người Chứt được tìm thấy, không tên, không tuổi, được đưa về chia thành 18 hộ dân và đều mang họ Hồ, đến nay bản Rào Tre có 40 hộ với 140 nhân khẩu.
Hôm nay 22.5, bản Rào Tre có 84 cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. “Sáng nay, chúng tôi đã tổ chức 2 chuyến xe ô tô và huy động nhiều xe máy chở 84 cử tri người dân tộc Chứt đến điểm bỏ phiếu và họ đã hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình”, trung tá Tịnh nói.
Bộ đội biên phòng sử dụng ô tô đưa đón cử tri người dân tộc Chứt đến điểm bỏ phiếu Ảnh Nguyên Dũng
Tại tổ bầu cử số 1, xã Hương Liên, danh sách các ứng viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã được niêm yết, dán trên tường hội trường, rất thuận lợi cho cử tri đọc tiểu sử, tóm tắt quá trình hoạt động, từ đó để cân nhắc, bỏ phiếu. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều cử tri trước lúc bỏ phiếu đã dành thời gian khá lâu để đọc kỹ tiểu sử, tóm tắt quá trình hoạt động của đại biểu.

Ông Hồ Pắc, cử tri người dân tộc Chứt, sau khi bỏ phiếu, vui vẻ nói: “Hôm nay, tôi tạm gác việc đi rẫy lại để đến đây từ sáng sớm. Tôi rất vui vì được thực hiện quyền công dân của mình. Tôi đã bỏ phiếu bầu người có năng lực, phẩm chất tốt để lãnh đạo nhân dân, xây dựng đất nước”.  

Cử tri Hồ Thị Thành (33 tuổi, người dân tộc Chứt) nói: “Nếu trúng cử, tôi mong người đại biểu được tôi bỏ phiếu hãy luôn là người có trách nhiệm, gần gũi với cử tri để từ đó hiểu cử tri, đưa ý kiến, nguyện vọng của cử tri tới Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.