Đến năm 2030, phụ nữ mới về hưu ở tuổi 60

22/12/2016 09:03 GMT+7

Xung quanh vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đang gây nhiều tranh cãi, Thanh Niên đã phỏng vấn ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, thành viên ban soạn thảo bộ luật Lao động sửa đổi, về vấn đề này.

Có thể tăng tuổi hưu ở khu vực hành chính sự nghiệp trước
* Thưa ông, hiện đang có nhiều tranh cãi xoay quanh đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 lên 62 tuổi và nữ từ 55 lên 60 tuổi. Vì sao Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) vẫn tiếp tục "đeo đuổi" đề xuất này, trong khi mấy lần trước trình đều đã bị bác bỏ?
Ông Phạm Minh Huân: Đây là lần thứ 4, Bộ LĐ-TB-XH trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Cũng giống như ở các nước khác, những người chịu tác động của quy định tăng tuổi nghỉ hưu đều không mong muốn. Quy định tuổi nghỉ hưu chúng ta áp dụng từ năm 1960 đến nay, nhưng rõ ràng với vấn đề già hóa dân số, tuổi thọ tăng, thời gian hưởng lương hưu tăng, đã gây áp lực về mặt tài chính với quỹ BHXH.
Trước năm 2010-2011, các chị ở Hội Phụ nữ đề nghị phải tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên ngay 60 và tăng ngay 1 lần. Nhưng đấy là những người có quyền, có chức, còn người lao động (NLĐ) ở dưới cần phải có một quá trình chuẩn bị tâm lý, xem tác động thị trường LĐ. Đối với nữ, câu chuyện hiện nay là tuổi nghỉ hưu của nam và nữ cách nhau 5 năm. Nếu tăng luôn cho nữ 7 năm để bằng nam thì chỉ có một số ít đồng ý, phần lớn là phản ứng, nên Ban soạn thảo muốn rút dần khoảng cách.
Các tổ chức Quốc tế hiện nay đề nghị Việt Nam nghiên cứu cân nhắc nâng tuổi nghỉ hưu của lên 65 tuổi. Nhưng với thể chất của người Việt Nam, trước mắt tăng lên 62 tuổi với nam và nữ lên 60. Khi thể chất và tâm lý của NLĐ tiếp tục cống hiến không ảnh hưởng gì, đến một thời điểm nào đó, khoảng cách tuổi nghỉ hưu của nam và nữ sẽ bằng nhau như các nước khác. Đây là cả một quá trình, lộ trình, không thể vội vàng.
Tang - tuoi - nghi - huu
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Ảnh Thu Hằng
* Nhưng thưa ông, hầu hết NLĐ khá bất ngờ và vẫn chưa chuẩn bị tâm lý cho việc kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tới đây, tất cả các ngành nghề đều tăng tuổi nghỉ hưu hay chỉ tăng một số nhóm ngành nghề?
Có thể NLĐ chưa sẵn sàng bởi họ chưa hiểu một cách cặn kẽ của việc tăng tuổi hưu. Trong điều kiện của chúng ta hiện nay, phải chọn một số ngành nghề tăng trước, nhưng chắc chắn những ngành nghề nặng nhọc, độc hại không tăng và chưa thể tăng thời điểm này. Tuổi về hưu của ngành nghề này vẫn duy trì là 55 đối với nam và 50 với nữ, bởi mình có muốn NLĐ làm thêm đi nữa, họ cũng không có đủ sức khỏe để làm việc.
Đối tượng thứ 2 chịu tác động quy định này là lực lượng vũ trang. Đối tượng này sẽ theo luật chuyên ngành và chi phối theo luật chuyên ngành. Sau này, luật chuyên ngành tính toán cho phù hợp.
Còn lại khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực doanh nghiệp, trong khu vực doanh nghiệp, ngành nghề nặng nhọc, độc hại giữ nguyên tuổi hưu. Khu vực hành chính sự nghiệp là khu vực có thể sẽ phải đi trước. Sau một thời gian, có thể khoảng 5-7 năm sau, mới áp dụng với khu vực DN. Sở dĩ, khu vực DN phải đi sau bởi điều kiện làm việc của họ chắc chắn nặng nhọc hơn khu vực hành chính sự nghiệp.
Nhiều ý kiến đề nghị nên áp dụng từ đầu năm 2020
* Vậy thời gian và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu mà Ban soạn thảo tính toán sẽ theo từng bước như thế nào?
Trong dự thảo luật hiện nay chưa đề cập đến thời điểm áp dụng khi luật có hiệu lực, có thể là thời điểm 1.1.2018 hoặc 1.1.2019. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi và một số chuyên gia, có lẽ không thể áp dụng ngay thời điểm trên được. Nhiều ý kiến cho rằng, nên áp dụng từ 1.1.2020 để các đối tượng có thời gian một vài năm chuẩn bị tâm lý.
Về lộ trình tăng, kinh nghiệm ở các nước cho thấy có nhiều lộ trình khác nhau nhưng nhìn chung là cũng tăng dần. Đối với Việt Nam, chúng ta có chính sách ứng phó với già hóa dân số và áp lực việc làm của dân số trẻ nên dự thảo đưa ra lộ trình tăng 3 tháng/năm. Có nghĩa, quy định này bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020 thì để đạt tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi phải mất khoảng 8 năm. Riêng nữ, còn nhiều ý kiến khác nhau, hiện chúng tôi đang cân nhắc có thể nữ tăng 6 tháng/năm để khoảng cách gần nhau. Và như vậy, nữ sẽ mất khoảng 10 năm. Nghĩa là vào khoảng 2030, chúng ta mới thực hiện đúng theo phương án nữ về hưu ở tuổi 60 và và nam về hưu ở tuổi 62.
Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu như phương án Ban soạn thảo đề xuất sẽ gây áp lực lên thị trường LĐ, đặc biệt là trong bối cảnh lao động trẻ thất nghiệp đang có xu hướng tăng cao. Ông nghĩ sao trước lo ngại này?
Đúng là tăng tuổi nghỉ hưu trước hết sẽ tác động đến thị trường LĐ. Tổng việc làm không thay đổi, có một bộ phận không có chỗ trống nên cơ hội cho người mới cũng eo hẹp đi. Nhưng nếu nền kinh tế đang phát triển lên, quy mô mở ra việc làm tăng thì tác động việc làm có nhưng ảnh hưởng chỉ mức độ. Để giảm tác động của thị trường lao động việc làm, các nước lựa chọn lộ trình tăng dần. Tiếp theo là phải cân nhắc về sức khỏe, vấn đề thể chất của NLĐ.

tin liên quan

Tăng tuổi hưu nhưng không kéo dài thời gian giữ chức vụ
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đồng ý việc nới tuổi nghỉ hưu song đối với cán bộ quản lý, luật phải thiết kế làm sao kéo dài thời gian công tác nhưng thôi giữ chức vụ.
* Nghĩa là mục đích chính lần này vẫn là tăng để tránh vỡ quỹ BHXH?
Mục tiêu của hưu trí là làm việc phải tích lũy, tiết kiệm khi NLĐ không còn khả năng lao động, ông lấy tiền tích lũy, tiết kiệm để sống. Quỹ hưu trí của chúng ta đang tính toán, nếu không thay đổi chính sách, mức đóng như hiện nay và mức hưởng như hiện nay thì đến 2021, tổng số thu hàng năm bằng số chi hàng năm. Bắt đầu từ năm 2022, phần tích lũy bao nhiêu năm mấy trăm tỉ sẽ thâm hụt dần. Đến năm 2034, phần kết dư không còn.
Nếu người nghỉ hưu bị cắt giảm lương hưu, chắc chắn lúc đó người nghỉ hưu sẽ phản ứng dữ dội. Còn nếu tăng mức đóng sẽ ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của DN và DN sẽ không chịu. Vì vậy, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thời gian đóng và giảm thời gian hưởng, giúp quỹ hưu trí cân đối. Tới đây, quỹ BHXH phải đầu tư tốt hơn, sinh lời tốt hơn và đảm bảo an toàn tốt hơn.
* Theo cá nhân ông, trong bố cảnh Việt Nam hiện nay, phương án tuổi nghỉ hưu nào được coi là tối ưu nhất?
Phương án tăng tuổi nghỉ hưu của nữ 58 và nam lên 62 sẽ hợp lý hơn cả. Trong bối cảnh tổng số việc làm không tăng, ta nên chọn bài toán tăng dần, mức độ ảnh hưởng đỡ nghiêm trọng. Đến một lúc nào đó đủ chín, chúng ta sẽ kéo dài ra tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 và nam lên 65. Bản thân NLĐ cũng phải quen tâm lý, chuẩn bi sức khỏe để làm việc. Thay vì nam giới nghỉ hưu 60 tuổi, từ bây giờ anh phải giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị tâm lý để làm việc đáp ứng yêu cầu.
Xin cảm ơn ông!
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Xin mời gửi ý kiến cho chúng tôi tại địa chỉ e-mail: tshn.btn@gmail.com. Trân trọng cảm ơn!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.