Đến lúc cần tăng xử phạt vi phạm giao thông?

Vũ Hân
Vũ Hân
12/03/2019 06:23 GMT+7

Nhiều chuyên gia ủng hộ việc tăng mức phạt đối với người vi phạm nhằm hạn chế ùn tắc giao thông , nhưng cần giám sát lực lượng thực thi công vụ và đảm bảo biện pháp chế tài được thực thi nghiêm.

Hà Nội đang dự kiến tăng cường xử phạt các vi phạm giao thông nhằm hạn chế tai nạn và đẩy mạnh trật tự trong lĩnh vực này, góp phần hạn chế ùn tắc trên nhiều tuyến đường thủ đô.

Đảm bảo tính mạng mọi người

Trong bối cảnh hiện nay, phải làm cả hai - tức tăng phạt với người dân nhưng cũng phải nghiêm khắc hơn với lực lượng thực thi
TS Huỳnh Thế Du, Trường ĐH Fulbright
Giải trình trước Ủy ban Tư pháp về an toàn giao thông hôm 6.3, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết dù rất trăn trở về đề xuất tăng phạt, tăng phí nhằm đối phó với tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng, có thể “đánh thẳng vào nồi cơm của người dân nghèo”, nhưng UBND TP vẫn sẽ trình HĐND xem xét. Ông Sơn cho rằng đối tượng vi phạm giao thông trên địa bàn TP không chỉ là những người có điều kiện kinh tế, mà có cả người bán hàng rong vỉa hè, người dân lao động còn khó khăn vào TP kiếm sống.
Ngày 9.3, khi Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Sở GTVT, ông Nguyễn Thế Hùng, một phó chủ tịch khác của UBND TP.Hà Nội, cũng nói: “Có ý kiến cho rằng tăng cường xử phạt ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của người nghèo, nhưng không phải như vậy. Bảo đảm an toàn tính mạng cho mọi người, còn quý hơn rất nhiều”.
Ông Hùng cũng đề nghị ông Hoàng Trung Hải “cho phép nghiên cứu bổ sung việc thu phí hạ tầng xây dựng công trình” vì Hà Nội có luật Thủ đô. Ông Hùng cho rằng nếu khôi phục loại phí này, TP sẽ có kinh phí để làm những công việc như rửa đường sau khi thi công công trình, giảm thất thoát trong đầu tư... Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện thì cho biết đến kỳ họp cuối năm nay của HĐND TP, Sở sẽ trình đề án thu phí vào khu vực trung tâm đối với phương tiện cơ giới (tức cả xe máy và ô tô).
Đến lúc cần tăng xử phạt vi phạm giao thông ?
Một vụ tai nạn do vượt đèn đỏ tại Hà Nội Ảnh: Trần Cường

Nghiêm khắc hơn với lực lượng thực thi

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, không thành phố trên 1 triệu dân nào trên thế giới có thể giải quyết vấn đề giao thông công cộng mà thiếu hệ thống metro ngầm. Đó là vấn đề kỹ thuật, không thể khác được. “Anh đã không quy hoạch từ đầu thì giờ chậm. Nhưng chậm cũng phải làm. Chống ách tắc phải là một hệ thống vận chuyển lớn và vận chuyển nhanh. Chống ách tắc không phải cấm xe máy. Cấm xe máy mà người dân chuyển sang mua ô tô thì còn ách tắc nữa. Nếu chống ô nhiễm thì cấm xe máy có thể là một giải pháp. Nhưng cần phải xác định vấn đề cho đúng”, TS Dũng nói.
Cũng liên quan việc cấm xe máy, TS Huỳnh Thế Du bày tỏ quan điểm: “Tôi không hiểu vì sao mấy hôm trước Sở GTVT Hà Nội và TP.HCM lại nhắc chuyện cấm xe máy “càng sớm càng tốt”, thay vì nêu rõ lộ trình để người dân hiểu. Nhấn mạnh điều đó là phát đi một thông điệp rất nguy hiểm, khiến mọi người đẩy nhanh tiến trình chuyển từ xe máy sang ô tô và sẽ biến TP sẽ thành một bãi đỗ xe khổng lồ”.
Vũ Hân
Trả lời Thanh Niên chiều 11.3, TS Huỳnh Thế Du, Trường ĐH Fulbright, cho rằng quan điểm tăng phạt sẽ điều chỉnh hành vi là đúng và đó là việc cần làm. Tuy nhiên, vấn đề là chính sách đó phải thực thi được. “Đúng nguyên tắc là tăng chi phí thì sẽ thay đổi hành vi, nhưng trong các phương án thì người dân sẽ lựa chọn phương án ít tốn kém nhất. Ví dụ, thay vì bị phạt nặng, người vi phạm có thể đút lót CSGT để được tha. Đó là vấn đề tham nhũng vặt. Cho nên, trong bối cảnh hiện nay, phải làm cả hai - tức tăng phạt với người dân nhưng cũng phải nghiêm khắc hơn với lực lượng thực thi”, TS Du phân tích.
Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông Cục CSGT, Bộ Công an cũng tán đồng với kiến nghị tăng phạt. Theo đại tá Sơn, hiện nay các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt quy định rõ tại Nghị định 46 của Chính phủ; chế tài này được áp dụng cho cả nước. Tuy nhiên, cần đề xuất Chính phủ, Quốc hội có cơ chế đặc thù đối với những TP lớn như: Hà Nội, TP.HCM mới có thể nâng mức chế tài.
“Đây là thời điểm chín muồi để nâng chế tài xử phạt. Hiện nay rất nhiều hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT và ùn tắc giao thông nhưng chế tài xử phạt quá thấp, chưa đủ sức răn đe và giáo dục; nhiều người vi phạm giao thông sẵn sàng nộp phạt vì mức phạt thấp”, đại tá Sơn nhấn mạnh.
Đại tá Sơn cho rằng những lỗi vi phạm như: người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, đi vào đường ngược chiều, lùi xe trên cao tốc, lái xe sử dụng rượu bia vượt quá nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe phù hợp... không xử phạt nặng sẽ dẫn đến việc người vi phạm nhờn luật.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn giao thông TP.HCM, trên thực tế vẫn còn nhiều hành vi vi phạm trật tự giao thông, nhưng mức xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe để người vi phạm thay đổi nhận thức. Vì thế, tùy từng hành vi có thể tăng mức xử phạt vi phạm hành chính và tăng các mức xử phạt bổ sung.
Ông Trần Quốc Khánh, Chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM, nhận xét cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. “Trong quá trình tuần tra xử phạt, chúng tôi nhận thấy một số hành vi có mức xử phạt vẫn chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm”, ông Khánh chia sẻ.
Không phủ nhận tác động của việc tăng phạt, nhưng TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng nếu đặt nặng biện pháp này sẽ là một cái nhìn không đầy đủ. “Tôi không bao giờ nghĩ rằng tăng xử phạt là biện pháp ưu tiên. Đúng là lợi ích có tác động, nhưng đánh vào lợi ích nặng quá, người vi phạm có thể chia đôi - bằng việc hối lộ CSGT để tránh bị phạt”, TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.
TS Dũng nói, việc truyền thông, giáo dục đôi khi có hiệu quả hơn nâng cao hình phạt mà lại không thực thi được. “Chuẩn bị ban hành chính sách thì phải phân tích tác động của chính sách, trước hết là nhận biết vấn đề”, TS Dũng nói.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế (Phòng Thương mại - Công nghiệp VN - VCCI), ủng hộ việc tăng phạt trong lĩnh vực giao thông, nhưng với điều kiện phải siết chặt quản lý cả với lực lượng thực thi pháp luật.
Ông Đức cho rằng, cần xử lý thật nghiêm một vài trường hợp CSGT vi phạm để gửi đi thông điệp rất rõ là “cơ hội tham nhũng ở đó không nhiều”, sau đó phải cải cách tiền lương.

Hà Nội sẽ nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi

Trao đổi với báo chí chiều 11.3, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, để thực hiện lộ trình dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030, TP nghiên cứu thí điểm trước tại một số khu vực, tuyến đường có đủ điều kiện cơ sở, hạ tầng. Chẳng hạn, TP đang lựa chọn, có thể thí điểm dừng hoạt động xe máy tại tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - Hà Đông sau khi đưa tuyến đường sắt 2A Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động.
Trong quá trình xây dựng đề án, TP sẽ lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng. Sở GTVT cũng tính toán, với khu vực trung tâm TP phải đảm bảo điều kiện 80% khu vực có thể tiếp cận hệ thống giao thông công cộng phạm vi dưới 500 m. Khoảng 20% còn lại là ở trong các ngõ, xóm, người dân có thể sử dụng phương tiện phù hợp như xe đạp, taxi hoặc đi bộ. Ngoài ra, đối với ô tô sẽ giảm chủ yếu bằng các giải pháp kinh tế như tăng phí dịch vụ đỗ xe tại các khu trung tâm, xây dựng đề án thu phí vào một số khu vực trung tâm có khả năng gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, cùng các loại phí khác.
Mai Hà

Đà Nẵng hạn chế phương tiện, không chọn tăng mức phạt

Ngày 11.3, trung tá Phan Văn Thương, Phó trưởng phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, cho biết TP.Đà Nẵng vừa ban hành dự thảo đề án hạn chế phương tiện vào trung tâm TP như xe tải, xe khách và hiện đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân sẽ chịu tác động trực tiếp như các hãng vận tải, lữ hành… “Đây là bước tiếp theo của mục tiêu giảm thiểu ùn tắc trên địa bàn. Trước đây, TP.Đà Nẵng cũng đã có nhiều giải pháp để hạn chế ùn tắc như cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ, cấm đỗ xe ở các tuyến huyết mạch như đường 2.9, tiến hành thu phí ở đường Bạch Đằng, Trần Phú…”, trung tá Phan Văn Thương nói.
Bên cạnh đó, một số đại diện cơ quan quản lý ở TP.Đà Nẵng tỏ ra không “mặn mà” với ý tưởng tăng mức phạt để giảm ùn tắc. Theo đánh giá của Phòng CSGT Công an TP, tại Đà Nẵng, hiện nay 2 giải pháp phân bố đậu xe và cấm xe khách vào trung tâm giờ cao điểm đã phát huy hiệu quả. Với trên 40 tuyến hiện có và sắp đến tăng lên trên 50 tuyến đường đậu xe theo chẵn lẻ, địa phương sẽ cải thiện được tình trạng ùn tắc ở trung tâm.
Nguyễn Tú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.