Đề xuất mô hình TP.Huế trực thuộc thành phố Trung ương Thừa Thiên - Huế

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
08/05/2020 20:42 GMT+7

HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông qua các nghị quyết đề nghị Trung ương công nhận thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, đề xuất mô hình TP.Huế trực thuộc thành phố Trung ương Thừa Thiên - Huế.

Ngày 8.5, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế trong kỳ họp bất thường lần thứ 8 đã thông qua các nghị quyết liên quan đến định hướng phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ công nhận Thừa Thiên - Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2021.

Thành phố Huế mở rộng đến đâu?

Theo đó, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm TP.Huế hiện hữu (70,67 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận).

Diện mạo đô thị Huế hiện tại sẽ được mở rộng gấp 5 lần

Ảnh: Bùi Ngọc Long

Việc mở rộng TP.Huế này có 13 xã, phường, thị trấn ở các huyện, thị xã sẽ được gộp vào TP.Huế, gồm: xã Thủy Bằng, Thủy Vân (thị xã Hương Thủy); phường Hương Hồ, Hương An, xã Hương Thọ, Hương Vinh, Hương Phong, Hải Dương (thị xã Hương Trà); xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang). Sau khi sáp nhập vào TP.Huế sẽ có 4 xã chuyển lên thành phường gồm: Hương Vinh, Phú Thượng, Thủy Vân và Thuận An.
Bên cạnh đó, các phường nội thành TP.Huế được sáp nhập lại còn 5 phường, gồm: Phường Gia Hội (Phú Cát và Phú Hiệp); Phường Thuận Lộc (Phú Bình và Thuận Lộc); Phường Thuận Thành (Phú Hòa và Thuận Thành). Một số diện tích tự nhiên và dân số của phường Phú Thuận nhập vào phường Tây Lộc (lấy tên phường Tây Lộc), một phần phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa (lấy tên phường Thuận Hòa).
Sau khi sắp xếp và sáp nhập, TP.Huế sẽ có diện tích tự nhiên hơn 266 km2, dân số hơn 652.000 người, gồm 29 phường và 7 xã.
Giai đoạn 2 (2025 - 2030), trên cơ sở định hướng phát triển của giai đoạn 1, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế theo định hướng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và quy hoạch chung TP.Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với vùng lõi đô thị có quy mô khoảng 348 km2 bao gồm TP.Huế mở rộng có quy mô 267 km2 và các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, gấp 5 lần hiện tại.

Xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trước đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cũng đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TƯ thông qua đề án “Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên - Huế” trong đó việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP.Huế.

Bên canh giá trị đô thị di sản, Huế còn là thành phố xanh nổi tiếng

Ảnh: Bùi Ngọc Long

Theo đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép mô hình đô thị của tỉnh là “Thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương” với khu vực lõi là TP.Huế mở rộng, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, thị xã Phong Điền (huyện Phong Điền chuẩn bị chuyển lên thị xã) và đô thị Chân Mây theo định hướng tại Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Mô hình này là mô hình đặc thù, không thành lập các quận nội thành nhưng trong tương lai sẽ hình thành các quận.
Các nghị quyết sau khi được HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua sẽ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong năm 2021.
Bên cạnh các nghị quyết đề nghị Trung ương công nhận Thừa Thiên - Huế là thành phố trực thuộc Trung ương, tại kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã thông qua các nghị quyết liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, chính sách phục hồi phát triển du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.