Đề xuất điều chỉnh tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19

28/09/2021 06:55 GMT+7

UBND TP.HCM cho biết có văn bản góp ý, bổ sung cho dự thảo hướng dẫn 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 ' mà Bộ Y tế đang xây dựng, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn TP.HCM.

Ngày 27.9, UBND TP.HCM cho biết đã có văn bản góp ý, bổ sung cho dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” mà Bộ Y tế đang xây dựng, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn TP.HCM.

TP.HCM đề xuất điều chỉnh hàng loạt tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19

Cụ thể, đối với tiêu chí 1, UBND TP.HCM đề nghị điều chỉnh thành “bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu có máy thở và 5% giường có ô xy điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở y tế, tính theo số ca mắc mới theo dự báo tình hình dịch tại địa phương được đánh giá ở cấp 4 - mức nguy cơ rất cao”.
Về chỉ số 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, TP.HCM kiến nghị điều chỉnh thành: ít nhất 80% người trên 65 tuổi hoặc 50% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin; đồng thời thống kê những người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh, có kháng thể và sinh miễn dịch trong vòng 6 tháng để tính vào số lượng người được tiêm đủ vắc xin.
Liên quan chỉ số về số ca mắc mới tại cộng đồng trên 100.000 dân/tuần, TP.HCM nhận định chỉ số này phù hợp với những địa phương chưa bị dịch bùng phát, nhưng rất khó đạt đối với địa phương đã có hiện tượng xâm nhập sâu trong cộng đồng. Vì vậy, TP.HCM đề xuất cân nhắc điều chỉnh thay thế chỉ tiêu này thành một chỉ tiêu khác như số trường hợp nặng và tử vong/100.000 dân/tuần.

Ngày 27.9: Cả nước 9.362 ca Covid-19, 10.528 ca khỏi | TP.HCM 4.134 ca

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 bổ sung phần đánh giá an toàn cho các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 cao (trên 95%), tỷ lệ tiêm đủ liều đạt mức độ hợp lý thay vì chỉ có 2 mức là dưới 70% và từ 70% trở lên như dự thảo. TP.HCM cũng kiến nghị xem xét cho phép các địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp nới lỏng hoạt động kinh tế xã hội ở 1 cấp thấp hơn, phù hợp với đặc thù cơ cấu kinh tế và diễn biến dịch tễ, năng lực điều trị của từng địa phương.
Liên quan biện pháp cách ly y tế, UBND TP.HCM đề xuất không cách ly tập trung F1 để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại cơ sở cách ly tập trung, kiến nghị cho phép địa phương được chủ động và linh hoạt về phương án cách ly F1.
Về cách tính chỉ số ca nhiễm, UBND TP.HCM đề xuất chỉ số ca mắc mới cần định nghĩa rõ là ca PCR, được tính hằng tuần bằng số ca mắc mới phát hiện tại cộng đồng/100.000 dân (không tính trong các cơ sở cách ly tập trung), lấy tỷ lệ trung bình của 2 tuần liên tiếp để quyết định chuyển mức độ nguy cơ. Số lượng xét nghiệm tối thiểu là 1.500 xét nghiệm/100.000 dân trong 28 ngày để đánh giá đúng số ca mắc mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.