Đề xuất chỉ tăng lương tối thiểu 15% năm 2013 trong khu vực doanh nghiệp

26/10/2012 13:20 GMT+7

(TNO) Năm hiệp hội ngành hàng lớn của Việt Nam vừa ký văn bản chung gửi đoàn ĐBQH TP.HCM để kiến nghị điều chỉnh lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp năm tới giảm còn 15% so với 2 phương án Bộ Lao động Thương binh Xã hội đề xuất là 36% và 25%.

>> Nếu tăng lương chỉ đủ 4 tháng
>> Dù khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tăng lương
>> Không thể trì hoãn tăng lương sau ngày 1.1.2013
>> Xuất khẩu tăng lượng, giảm kim ngạch
>> Quốc hội đề nghị: Tăng lương, không tăng giờ làm thêm
>> Gần 3.000 công nhân nghỉ việc tập thể đòi tăng lương

Những doanh nghiệp có số lượng lao động nhiều nhất ở Việt Nam đã ký tên vào văn bản này là Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giày, Hiệp hội thủy sản, Hiệp hội đồ gỗ mỹ nghệ và Hiệp hội bông sợi.

Trong văn bản gửi đi từ ngày 17.10, các hiệp hội này dẫn phương án tăng lương tối thiểu từ năm 2013 mà Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã gửi các tỉnh, thành để lấy ý kiến về 2 mức tăng: 36% hoặc 25%, và nhận định “tăng lương tối thiểu là một quyết định có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh ngành và quốc gia”.

Các hiệp hội này tính toán: Với phương án tăng lương tối thiểu 36%, chi phí lao động của doanh nghiệp sẽ tăng các năm từ 2013 - 2016 theo tỷ lệ tương ứng là: 125%, 161%, 208% và 273%. Nếu tăng 25% thì tỷ lệ tăng chi phí tương ứng theo các năm nói trên lần lượt là 118%, 140%, 169% và 205%.

Năm hiệp hội này đồng kiến nghị năm 2013 áp dụng mức tăng lương tối thiểu 15%, thời gian áp dụng tăng lương tối thiểu và lương cơ bản là quý 1 hoặc quý 2 hằng năm.

Nếu áp dụng tăng 15%, chi phí lao động mà các hiệp hội này tính toán sẽ tăng từ 2013 - 2016 lần lượt là 111%, 123%, 138% và 154%.

Khẳng định sự đồng thuận và ủng hộ quan điểm phải càng ngày càng nâng cao thu nhập để cải thiện đời sống cho người lao động, song đại diện năm hiệp hội này cũng lưu ý “khi tăng lương tối thiểu cho người lao động cần cân nhắc những tác động đến năng lực cạnh tranh quốc gia” so với nhiều nước trong khu vực đang có mặt hàng xuất khẩu, thị trường tương đồng như Việt Nam.

“Chúng tôi kiến nghị cần nhanh chóng thành lập Hội đồng Tiền lương quốc gia như chủ trương đã đề ra nhằm xây dựng được các bản chỉ số đánh giá cơ bản, phân tích năng lực cạnh tranh quốc gia để có quyết định tốt nhất cho người lao động và quốc gia”, bản kiến nghị viết.

Thông tin từ bản kiến nghị cho thấy, hiện tại kim ngạch xuất khẩu của 5 ngành hàng này đạt gần 34 tỉ USD, chiếm gần 35% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và giải quyết công ăn việc làm cho gần 5 triệu lao động.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.