Đề xuất cắt điện, nước nếu không chấp hành phạt hành chính

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/02/2020 14:02 GMT+7

Cắt điện, nước tại địa điểm vi phạm; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là 2 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính được Chính phủ đề nghị đưa vào luật Xử lý vi phạm hành chính .

Theo tờ trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tại phiên họp 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 10.2, trong lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất bổ sung 2 biện pháp cưỡng chế mới, gồm: ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Tuy nhiên, báo cáo của cơ quan chủ trì thẩm tra, do ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bác bỏ cả 2 đề xuất này.
Ông Tùng lập luận, việc cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng. Do đó, nếu người sử dụng không vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật trong việc sử dụng điện, nước thì không nên buộc nhà cung cấp “ngừng cung cấp điện, nước” cho cá nhân, tổ chức.
“Như vậy là can thiệp “quá sâu” vào quan hệ dân sự”, ông Tùng nêu và đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp điện, nước” trong lần sửa đổi này.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đồng ý bổ sung quy định “ngừng cung cấp điện, nước” là một biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm mà không phải là biện pháp cưỡng chế; đồng thời, bổ sung quy định để bảo đảm biện pháp ngăn chặn này chỉ được áp dụng đối với những hành vi mà điện, nước là điều kiện cần, là phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm hành chính và việc áp dụng biện pháp này không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động của cá nhân, tổ chức khác.
Đối với biện pháp “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”, Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, nếu coi đây là biện pháp cưỡng chế thì không đúng về bản chất, trùng lặp với hình thức xử phạt. Bên cạnh đó, biện pháp cưỡng chế “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn” là biện pháp có tính nghiêm khắc hơn cả hình thức xử phạt, có ảnh hưởng lớn đến cá nhân, tổ chức nhưng chưa được đánh giá tác động cụ thể và việc bổ sung biện pháp này cũng không xuất phát từ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành.
Từ đó, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế là “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn” vào dự thảo luật..
Trong khi đó, giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã rất cân nhắc khi bổ sung 2 biện pháp này vào luật.
Theo ông Long, thực tiễn pháp luật đã có quy định về biện pháp này như trong pháp luật về xây dựng. Thêm nữa, hiện nay tới 10% các quyết định xử lý vi phạm hành chính không được thực hiện nên việc có các biện pháp cưỡng chế là cần thiết.
Bên cạnh đó, ông Long cho rằng, nếu coi điện nước là hợp đồng dân sự như Ủy ban Pháp luật thì cũng đúng nhưng từ góc độ khác, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước thì quan hệ thị trường hay dân sự đều có thể can thiệp bằng hành chính.

Không hành chính hóa quan hệ dân sự

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hồng Thanh bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ trong việc sử dụng “cắt điện, nước” như một biện pháp cưỡng chế.
Dẫn thực tế tại tỉnh Quảng Ninh trong việc giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư, ông Thanh cho biết, có nhiều trường hợp đã giải quyết theo đúng quy định rồi nhưng vẫn chây ì thì “cắt điện, nước” là biện pháp hiệu quả để “cưỡng chế thi hành”.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội

Ảnh Gia Hân

“Chúng tôi đánh giá ngừng cấp điện, nước là để người vi phạm không còn điều kiện để thực hiện hành vi vi phạm nữa”, ông Thanh nói và cho rằng cần thiết bổ sung biện pháp này vào luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tương tự, ông Thanh cho rằng, biện pháp “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn” với một số sai phạm cũng là cần thiết để tăng mức răn đe, giống như tăng mức phạt tiền.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến lại không đồng tình với quan điểm này. Theo ông Chiến, việc cắt điện nước có thể hiệu quả trong một số trường hợp như vi phạm trật tự xây dựng. Song nếu coi đây là biện pháp cưỡng chế áp dụng cho tất cả các trường hợp thì chưa phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng tán thành với quan điểm của Ủy ban Pháp luật, cho rằng, chỉ nên áp dụng biện pháp này khi điện, nước là phương tiện của hành vi phạm hành chính chứ không phải là nhằm vào sinh hoạt thiết yếu của người dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cân nhắc để “không hành chính hóa quan hệ dân sự”, đồng thời làm rõ bản chất của việc ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp cưỡng chế hay biện pháp ngăn chặn để quy định cho phù hợp.
Đối với biện pháp đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, bà Ngân cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để phân biệt đây là biện pháp cưỡng chế hay biện pháp xử phạt. “Cần cân nhắc thận trọng khi quy định”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.