Đề xuất bổ sung chuyên gia độc lập vào Hội đồng tiền lương quốc gia

13/05/2020 07:50 GMT+7

Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Trong đó, đề xuất quy định về Hội đồng tiền lương quốc gia (HĐTLQG) với mô hình cơ bản như hiện nay và bổ sung thêm 3 chuyên gia độc lập là các nhà khoa học về lao động, tiền lương, KT-XH. HĐTLQG hoạt động với 4 nội dung chủ yếu: tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu và chính sách tiền lương đối với người lao động; nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá và xây dựng các báo cáo nghiên cứu về các yếu tố xác định mức lương tối thiểu; xây dựng phương án mức lương tối thiểu theo tháng, mức lương tối thiểu theo giờ và việc phân vùng địa bàn áp dụng; tổ chức thương lượng trên cơ sở đó khuyến nghị với Chính phủ việc điều chỉnh mức lương tối thiểu theo tháng và theo giờ hằng năm.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, sau 8 năm hoạt động, HĐTLQG có 15 thành viên, đại diện cho công đoàn, người sử dụng lao động và Nhà nước (Bộ LĐ-TB-XH), tập trung khuyến nghị về lương tối thiểu vùng hằng năm, chưa thể hiện đầy đủ theo tên gọi và mục đích hình thành HĐTLQG; các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của hội đồng cũng hạn chế (không có con dấu riêng mà sử dụng con dấu của Bộ LĐ-TB-XH) nên chưa thể hiện rõ tính đại diện cho 3 bên trong quan hệ lao động...
Hội đồng tiền lương quốc gia đã 7 lần khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng và được Chính phủ cơ bản thống nhất. Theo đó, năm 2014 tăng bình quân 15,2%; năm 2015 tăng bình quân 14,2%; năm 2016 tăng bình quân 12,4%; năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3% và năm 2020 tăng bình quân 5,5%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.