Đề xuất bỏ định mức phân bổ chi thường xuyên theo biên chế nhưng 'tắc' giải pháp

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/08/2021 18:41 GMT+7

Chính phủ định bỏ định mức phân bổ chi thường xuyên theo biên chế, thay vào đó là dự toán theo khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nói hoành tráng nhưng không thấy giải pháp.

"Xin quay lại tính theo biên chế và vị trí việc làm"

Chiều 17.8, tiếp tục phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bố dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự toán ngân sách hằng năm của các bộ, cơ quan T.Ư sẽ bỏ việc xây dựng định mức phân bổ theo biên chế, thay vào đó, dự toán chi quản lý hành chính sẽ được xây dựng căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao.
Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhận định đây là điểm đổi mới; song cho rằng, Chính phủ chưa thể hiện rõ cách thức, phương pháp thực hiện của nguyên tắc mới này. Trong khi đó, đối với phần chi lương và chế độ, về cơ bản vẫn thực hiện như cũ, tức là tính trên số biên chế được giao.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, tờ trình của Chính phủ nêu rất hoành tráng, bỏ "đầu vào" là biên chế để tính theo "đầu ra" nhiệm vụ, nhưng "đầu ra" như thế nào thì chưa thấy đâu.
"Trong này nói ngụy biện hết thôi, chưa có cái gì gọi là đầu ra. Nói là không tính theo biên chế mà tính theo đầu ra nhưng vẫn lấy chi thực tế của kỳ trước căn cứ là năm ngoái. Nói vậy mà không phải vậy làm sao được", ông Huệ nhấn mạnh.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khi xây dựng tờ trình này, Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính "bám theo" Nghị quyết 18 của T.Ư cho rằng, việc phân bổ kinh phí thường xuyên theo biên chế chưa gắn với kết quả là nguyên nhân tăng biên chế.
"Anh em thực hiện theo Nghị quyết của T.Ư Đảng nhưng thực sự là chưa có giải pháp thực hiện, nên mặc dù đưa vào tờ trình là tính theo nhiệm vụ, song vẫn căn cứ vào thực tế của năm trước. Sau khi Chủ tịch Quốc hội có ý kiến, chúng tôi xin quay lại tính theo biên chế và vị trí việc làm", ông Phớc nói.

Nhiều tỉnh thành xin dùng nguồn cải cách tiền lương chi chống dịch

Một vấn đề khác, Chính phủ đề xuất là các đơn vị đang thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở một số cơ quan sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2022 cho đến khi thực hiện cải cách tiền lương vào 1.7.2022. 
Qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về vấn đề này, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp giữa mục tiêu thực hiện cải cách tiền lương và các nội dung dự thảo về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên của thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên họp

Ảnh Nguyên Mạnh

Giải trình thêm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cơ chế đặc thù về tiền lương và thu nhập một số cơ quan thì xin được tiếp tục phân bổ cho tới hết 1.7.2022 là thời điểm thực hiện cải cách tiền lương. 
Đối với nguồn cải cách tiền lương, ông Phớc cho biết, ở địa phương hiện còn 252.000 tỉ nguồn cải cách tiền lương còn dư.
"Vừa rồi, 7 tỉnh đề nghị dùng tiền này chống dịch. Bộ Tài chính đã trả lời là dùng các nguồn khác như dự trữ tài chính, tiết kiệm chi thường xuyên; chưa đủ thì phải thực hiện điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, cắt giảm các khoản không cần thiết còn nguồn cải cách tiền lương luôn sẵn sàng để thực hiện", ông Phớc nói.
Liên quan tới vấn đề này, bà Mai Thị Thu Vân, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết hiện có 10 tỉnh kiến nghị sử dụng tiền còn dư sau khi đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương để chống dịch Covid-19.
"Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp báo cáo để cho phép sử dụng. Chỉ chuyên về chống dịch Covid-19, không làm nhiệm vụ khác", bà Vân nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.