Để trở thành cường quốc biển - Đâu là mũi nhọn?

12/01/2010 23:33 GMT+7

Thanh Niên đã phỏng vấn các chuyên gia xung quanh vấn đề: chọn lĩnh vực nào trong kinh tế biển làm mũi nhọn để Việt Nam phát triển thành cường quốc biển?

Ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội cảng biển VN: Chọn cảng biển

Ông Lân phân tích, ngành hàng hải có 3 lĩnh vực đều quan trọng là cảng, vận tải và dịch vụ. Ở lĩnh vực vận tải biển, do thị phần của doanh nghiệp (DN) VN chỉ chiếm chưa đến 20%, hơn 80% còn lại do các hãng vận tải biển nước ngoài nắm giữ nên nếu chọn là mũi nhọn thì chắc chắn thua. Nếu chọn cảng biển thì các DN trong nước đang ở thế mạnh, bởi vì cạnh tranh ngay trên sân nhà của mình nên sẽ có ưu thế hơn.

Ông Hồ Kim Lân

* Theo ông, trở ngại lớn nhất trong phát triển cảng biển hiện nay là gì?

- Đó là hạ tầng giao thông kết nối với cảng chậm phát triển và không đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, chúng ta chưa đưa vào trong quy hoạch những tiềm năng về thị trường trong khu vực và thế giới. Quy hoạch của chúng ta chỉ dựa vào GDP hằng năm để dự báo tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng trong những năm tới, chứ chưa có số liệu về lượng hàng hóa trung chuyển trong khu vực. Ngoài ra, giữa quy hoạch và thực hiện quy hoạch không có sự nối kết. Theo tôi, Nhà nước phải đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng giao thông kết nối cảng biển và đóng vai trò "nhạc trưởng" thông qua cơ chế "chính quyền cảng" để giải quyết những bất cập hiện nay.

* Xin ông nói rõ hơn cơ chế "chính quyền cảng"?

- Cảng do nhà nước đầu tư và quản lý nhưng do Nhà nước thiếu kinh phí nên có xu thế ngược lại là cho tư nhân đầu tư khai thác. Tuy nhiên, tư nhân chỉ đầu tư vào những gì có thể sinh lợi nhuận chứ không đầu tư vào hạ tầng kết nối, luồng lạch... Do vậy, mô hình thứ 3 là nhà nước và tư nhân cùng phối hợp đầu tư, trong đó tư nhân đầu tư khai thác cảng, còn nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối, luồng lạch... Nhưng nếu không có "nhạc trưởng" thì sẽ dẫn đến mạnh ai nấy làm, đầu tư manh mún, sẽ không đạt tầm cỡ quốc gia để cạnh tranh với khu vực. Vì vậy, cần có cơ chế "chính quyền cảng", trong đó có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước từ T.Ư đến địa phương và khối các DN cảng. "Chính quyền cảng" có nhiệm vụ quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch trong một phạm vi rộng lớn. Đồng thời có tầm nhìn, có chiến lược tiếp thị cạnh tranh với các cảng lớn ở nước ngoài. Nếu không có cơ chế "chính quyền cảng", thì sẽ khó có thể cạnh tranh được với cảng Singapore, Hồng Kông.

* Để trở thành cảng biển mang tầm quốc tế thì cần phải có những gì, thưa ông?

- Cần có hàng trung chuyển. Ở các cảng lớn như Singapore, Hồng Kông, lượng hàng trung chuyển lớn hơn rất nhiều lượng hàng trong nước. Kế hoạch phát triển cảng biển VN từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 phải tính đến khả năng phát triển hàng trung chuyển quốc tế, yếu tố cạnh tranh với các cảng trong khu vực và trên thế giới. Kinh nghiệm của Singapore hay Hồng Kông cho thấy, yếu tố thành công của họ là có khu thương mại tự do, khu phi thuế quan. Hàng hóa vào đó sẽ không bị thu thuế hải quan. Đó là cách để thu hút nguồn hàng hóa vào cảng. VN cũng đang áp dụng thí điểm mô hình này tại cảng Vũng Áng và cảng Kỳ Hà, nhưng chưa được như mong muốn do chúng ta chưa có đầy đủ các quy định về pháp lý. Trong tương lai, tôi nghĩ cảng Vân Phong nên áp dụng mô hình này.

Mai Vọng
(thực hiện)

PGS-TS Nguyễn Ngọc Huệ, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Vân Phong là những trung tâm hàng hải quan trọng

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Huệ cũng cho rằng nên ưu tiên phát triển cảng biển, từ đó sẽ thu hút các hãng đưa tàu, hàng hóa đi -đến VN. Khi đã có những cảng biển hiện đại, hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn quốc tế sẽ có đội tàu mạnh và dịch vụ hàng hải hoàn hảo.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Huệ

* Thưa ông, liệu đến năm 2020, VN có thể trở thành một cường quốc về hàng hải, một trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn của quốc tế?

- VN nằm trong khu vực hoạt động hàng hải năng động nhất thế giới. Xung quanh chúng ta có rất nhiều cảng biển xếp dỡ hàng container trong top 10 của thế giới. VN đang thu hút được sự quan tâm của các hãng tàu lớn, các nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới đến đầu tư và hoạt động vận tải biển. Cảng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là cảng biển hiện đại của thế giới có thể tiếp nhận tàu trên 100 ngàn DWT và vận chuyển hàng đi thẳng từ VN đến Mỹ và các nước EU. Với công suất hàng chục triệu TEU/năm, khả năng Bà Rịa - Vũng Tàu lọt vào danh sách các cảng hàng đầu của thế giới là thực tế. Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là một trung tâm hàng hải lớn của VN. Tiếp theo Bà Rịa - Vũng Tàu là Hải Phòng và Vân Phong cũng sẽ là những trung tâm hàng hải quan trọng của VN. Với những điều kiện thuận lợi như vậy chúng ta cần chớp lấy thời cơ để phát triển thành cường quốc hàng hải.

* Cụ thể, chúng ta phải giải quyết được những vấn đề gì?

- Để phát triển được một cách đồng bộ, kết nối liên hoàn được giữa cảng biển và các loại hình vận tải khác như của các nước công nghiệp tiên tiến thì phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành thông qua tổ chức của chính phủ và phải có sự tham gia của các nhà tư vấn giỏi. Để thực hiện được quy hoạch thì cần có sự chuẩn bị về nguồn lực và tính toán phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng của đất nước. Huy động sức mạnh tổng hợp của nhà nước và tư nhân. Và khi chúng ta đã có hệ thống cảng biển hiện đại đáp ứng cả về số lượng lẫn chất lượng, có nghĩa là chúng ta đã xây dựng được “phần cứng”, thì phải đặc biệt phát triển “phần mềm” - tức là xây dựng tổ chức và cơ chế quản lý. Hiện nay, việc quản lý cảng biển của chúng ta so với hầu hết các nước trên thế giới là có sự khác biệt. Để quản lý cảng, ở các nước có cơ quan gọi là “chính quyền cảng”. Nếu như cải tiến được các vấn đề về tổ chức và cơ chế quản lý thì ngành hàng hải của VN sẽ có sự phát triển nhảy vọt. Tuy nhiên, đây là một vấn đề lớn liên quan đến nhiều quy định pháp lý, do đó phải xây dựng một lộ trình phù hợp và triển khai thí điểm trước khi áp dụng cho toàn hệ thống.

Xuân Toàn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.