Đề nghị xem xét 'bằng giả, bằng thật' để giảm án cho cựu thượng tá Út ‘trọc’

Thái Sơn
Thái Sơn
31/10/2018 10:15 GMT+7

Dù nhận định Út “trọc” không thi, không học, bỏ tiền mua bằng đại học, song kiểm sát viên nhận định một số bằng khen không liên quan đến bằng giả có thể xem xét cho bị cáo này được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

 Sáng nay, 31.10, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út "trọc"), cựu thượng tá quân đội, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P (Thái Sơn Bộ Q.P), cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, và các đồng phạm kết thúc phần xét hỏi.
Trước khi bước sang phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát quân sự T.Ư đã đưa ra quan điểm về kháng cáo của các bị cáo trong vụ án. Nêu lập luận của bị cáo Đinh Ngọc Hệ cho rằng bản án sơ thẩm không chỉ ra bị cáo lợi dụng chức vụ gì, kiểm sát viên dẫn các quy định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng khẳng định bị cáo Hệ là sĩ quan được giao quyền hạn nhiệm vụ bảo vệ lợi ích nhà nước nên bị cáo là người thi hành công vụ. Bị cáo Hệ có quân hàm thượng tá, được Phùng Danh Thắm, Chủ tịch Tổng công ty Thái Sơn, ký quyết định ủy quyền quản lý 20% vốn góp vào Thái Sơn Bộ Q.P. Căn cứ luật phòng chống tham nhũng, kiểm sát viên khẳng định Đinh Ngọc Hệ là người có chức vụ, quyền hạn.
Đề cập đến hành vi hợp thức hóa hơn 20.000 lít xăng dầu kém chất lượng, đại diện Viện Kiểm sát quân sự T.Ư nhận định, Út “trọc” đã chủ động đặt vấn đề với bị cáo Bùi Văn Tiệp (không kháng cáo), nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 và ông Lê Thanh Cung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đồng thời chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa xăng dầu kém chất lượng nhằm không bị xử phạt hành chính gần 1,5 tỉ đồng. Đây là hành vi xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.
Trước kháng cáo của Út “trọc” về việc đã nhận nhiều huân huy chương như: Huân chương Lao động hạng 3; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Huân chương chiến sĩ vẻ vang… do đóng góp an sinh xã hội, đại diện Viện Kiểm sát quân sự T.Ư nhận định bị cáo không thi, không học, chỉ bỏ ra 2,5 triệu đồng để có bằng đại học, tức bị cáo biết vi phạm nhưng vẫn làm. Việc làm này để được nâng lương, phong quân hàm sĩ quan, tức có lợi cho bị cáo nên bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đối với các loại huân huy chương mà bị cáo từng được tặng thưởng, kiểm sát viên kiến nghị nếu liên quan bằng đại học giả của bị cáo thì tòa án cần kiến nghị thu hồi. Tuy nhiên, các bằng khen của Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, Đồng Tháp và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải không liên quan đến bằng giả nên cần áp dụng thành tích của bị cáo làm tình tiết giảm nhẹ.
Kiểm sát viên khẳng định quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra thực hiện đúng quy định, kháng cáo của bị cáo Đinh Ngọc Hệ về bỏ lọt tội phạm, gây oan sai là không có cơ sở.
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phùng Danh Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Sơn, kiểm sát viên khẳng định bị cáo này đã buông lỏng quản lý công ty con và quân nhân thuộc quyền, gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho kinh tế... nên đề nghị hội đồng xét xử quyết định hình phạt khác nhẹ hơn cho bị cáo.
Riêng bị cáo Trần Văn Lâm, Tổng giám đốc điều hành Thái Sơn Bộ Q.P, xin giảm nhẹ hình phạt là không có cơ sở vì bị cáo thực hiện hầu hết công việc dưới sự chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ, tức là người thực hành tội phạm, mức án 5 năm tù bị cáo này nhận là đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.