Đề nghị truy tố 'trùm' nhập lậu 41.500 tấn phế liệu

Thái Sơn
Thái Sơn
28/07/2019 08:19 GMT+7

Doanh nghiệp tư nhân Trường Thịnh bị xác định lợi dụng danh nghĩa nhập khẩu phế liệu sử dụng cho sản xuất, nhưng bán cho doanh nghiệp bên ngoài; đồng thời làm giả giấy tờ để nhập khẩu phế liệu với số lượng cực lớn.

Ngày 27.7, nguồn tin Thanh Niên cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ án buôn lậu xảy ra tại DNTN sản xuất bao bì Trường Thịnh (gọi tắt DNTN Trường Thịnh), tỉnh Ninh Bình và các đơn vị liên quan, đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 4 bị can về tội buôn lậu theo khoản 4, điều 188 bộ luật Hình sự.
Bốn bị can gồm: Nguyễn Đức Trường, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt (Ninh Bình); Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc DNTN Trường Thịnh; Dương Văn Phương, nhân viên DNTN Trường Thịnh; và Phạm Quốc Huy (đối tượng làm dịch vụ thông quan hàng hóa), trú P.Phú Hữu, Q.9 (TP.HCM). Trong đó, Trường và Sơn là anh em ruột.

Phù phép nhập lậu 2.871 container phế liệu

Theo kết luận điều tra, DNTN Trường Thịnh được thành lập năm 2009 (trụ sở tại xã Khánh Hải, H.Yên Khánh, Ninh Bình), có chức năng sản xuất bao bì, đã được Sở TN-MT tỉnh Ninh Bình cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu (có giá trị từ năm 2014 đến ngày 18.8.2017), đồng thời cấp Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra thông quan cho DN nhằm kiểm soát số lượng phế liệu nhập khẩu. Nhận thấy DNTN Trường Thịnh nhập khẩu quá hạn mức phế liệu, ngày 24.5.2016, Sở TN-MT tỉnh Ninh Bình có văn bản tạm ngừng cấp Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu. Do không xin được Sở TN-MT cấp thông báo mới, các bị can đã bàn bạc nhau làm giả tài liệu để thực hiện hành vi buôn lậu vào lãnh thổ VN.
Cụ thể, DNTN Trường Thịnh đã làm giả 1.569 thông báo của Sở TN-MT tỉnh Ninh Bình; 42 giấy xác nhận ký quỹ giả của Ngân hàng TMCP Đông Á; 1.614 giấy xác nhận phong tỏa của Ngân hàng TMCP Kỹ thương VN... Đồng thời, còn làm giả cả "vận tải đơn" của các hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận. Đây là các tài liệu bắt buộc phải có để làm thủ tục thông quan theo quy định tại điều 10 Thông tư số 41 ngày 9.9.2015 của Bộ TN-MT quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. Qua đó, DNTN Trường Thịnh đã làm thủ tục thông quan 1.666 lô hàng phế liệu nhựa, với tổng trọng lượng gần 41.500 tấn, tương ứng với 2.871 container. Tổng giá trị hàng hóa nhập lậu là hơn 84 tỉ đồng. Phần lớn số phế liệu nhập khẩu để xuất bán lại cho các DN, cá nhân trong nước, DNTN Trường Thịnh chỉ để lại khoảng 657 tấn để sản xuất bao bì.

Liên minh “ma quỷ”

Theo kết luận điều tra, Nguyễn Đức Trường không phải là lãnh đạo DNTN Trường Thịnh, nhưng là người điều hành, chỉ đạo các hoạt động liên quan đến việc nhập khẩu phế liệu nhựa của DNTN Trường Thịnh. Trường trực tiếp liên hệ, bàn bạc, thỏa thuận ăn chia lợi nhuận với Phạm Quốc Huy để cùng Huy làm thủ tục nhập khẩu phế liệu tại các cảng TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu. Nguyễn Văn Sơn được cơ quan điều tra xác định là người có vai trò giúp sức khi có hành vi ký khống vào một số tờ giấy A4 đưa cho Trường sử dụng để hoàn thiện các bộ hồ sơ làm thủ tục hải quan...
Điều 12 Thông tư số 41 quy định: “Đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phải sử dụng toàn bộ phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại cơ sở của mình”. Tuy nhiên, DNTN Trường Thịnh sau khi nhập khẩu, làm thủ tục thông quan cho các lô hàng nhựa phế liệu đã xuất bán lại cho các DN trong nước. Nguyễn Văn Sơn là người đứng tên bán, xuất hóa đơn bán hàng. Tổng giá trị số hàng phế liệu nhựa DNTN Trường Thịnh đã bán cho 11 DN trong nước là hơn 60 tỉ đồng.
Phạm Quốc Huy làm nghề dịch vụ thông quan hàng hóa. Từ tháng 5.2015 - 9.2017, Huy bàn bạc, thỏa thuận với Nguyễn Đức Trường về việc sử dụng giấy phép, pháp nhân của DNTN Trường Thịnh để nhập khẩu phế liệu tại khu vực phía nam; Huy trả cho Trường 1 triệu đồng/container sau khi thông quan. Một số tổ chức, cá nhân trong nước có nhu cầu nhập khẩu phế liệu, nhưng không có giấy phép nhập khẩu đã liên hệ với Huy để thuê, nhờ Huy sử dụng pháp nhân, giấy phép nhập khẩu phế liệu của DNTN Trường Thịnh để làm thủ tục thông quan cho các lô hàng phế liệu với giá 36 triệu đồng/container hoặc thuê Huy làm hồ sơ với giá 1,9 triệu đồng/container...
Cơ quan CSĐT xác định, ngoài việc làm giả hồ sơ tài liệu, Dương Văn Phương còn trực tiếp hoàn thiện các bộ hồ sơ chuyển tiền ra nước ngoài, hoàn thiện hợp đồng mua phế liệu cho DNTN Trường Thịnh. Phương được Nguyễn Đức Trường thuê và trả lương 6 triệu đồng/tháng để chuẩn bị hồ sơ tài liệu làm thủ tục thông quan, trong đó phần lớn là tài liệu giả do Phương trực tiếp làm.
Trong vụ án này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định Nguyễn Đức Trường có vai trò tổ chức, Dương Văn Phương và Phạm Quốc Huy là người thực hành, Nguyễn Văn Sơn giữ vai trò giúp sức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.