Đề nghị truy tố nguyên lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM

22/07/2017 05:58 GMT+7

Mặc dù Công ty TNHH Vân An vi phạm hợp đồng tín dụng, không còn khả năng tài chính nhưng nguyên lãnh đạo Ngân hàng Techcombank chi nhánh TP.HCM vẫn ký cho vay, gây thiệt hại cho ngân hàng 30 tỉ đồng, không thu hồi được.

Hôm qua (21.7), Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao, đề nghị truy tố Bùi Minh Hải (nguyên Phó phòng Quan hệ khách hàng, Ngân hàng TMCP Kỹ thương VN chi nhánh TP.HCM - Techcombank TP.HCM) và Nguyễn Thanh Tiến (nguyên cán bộ quan hệ khách hàng Techcombank TP.HCM) cùng tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho Techcombank TP.HCM 30 tỉ đồng.
Các bị can của Công ty TNHH Vân An (viết tắt Công ty Vân An), tỉnh Bình Phước bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm: Đặng Phước An (Giám đốc), Trương Thị Kim Thoa (nhân viên kế toán), Nguyễn Bảo Thoa (nhân viên), Đỗ Văn Dũng (nhân viên), Ngô Quang Cường (bảo vệ).
Bộ Công an cũng đã phát lệnh truy nã Lương Hữu Lâm (nguyên Giám đốc) và Đinh Thị Hiền (nguyên Phó giám đốc Techcombank TP.HCM) về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo kết luận điều tra, tháng 3.2007, Công ty Vân An vay vốn tại Techcombank TP.HCM và được cấp hạn mức tín dụng 45 tỉ đồng. Theo hợp đồng hạn mức tín dụng, công ty phải cầm cố hạt điều thô và điều nhân cho các khoản giải ngân cụ thể, mục đích vay vốn là mua bán hạt điều nhưng thực chất là để trả nợ cá nhân.
Giữa năm 2008, Công ty Vân An không còn khả năng tài chính nhưng ông An lập báo cáo tài chính khống, thể hiện công ty kinh doanh có lãi để được ngân hàng gia hạn hạn mức tín dụng. Sau khi được gia hạn, năm 2009, ông An lập hồ sơ, chứng từ khống nộp Techcombank TP.HCM để ngân hàng tiếp tục giải ngân 9 khoản vay trị giá 35 tỉ đồng. Thời điểm đề nghị gia hạn, Công ty Vân An còn dư nợ tại Techcombank TP.HCM
26 tỉ đồng, hàng hóa cầm cố theo hồ sơ vay là 743 tấn điều thô và 458 tấn điều nhân trị giá 42 tỉ đồng, nhưng thực tế tài sản của công ty chỉ có 771 tấn điều thô trị giá 10 tỉ đồng và máy móc thiết bị trị giá 1 đồng, không có hạt điều nhân.
Không đọc hồ sơ vẫn ký cho vay
Theo cơ quan điều tra, Nguyễn Thanh Tiến và Bùi Minh Hải không thẩm tra báo cáo tài chính và phương án kinh doanh của Công ty Vân An nhưng vẫn lập tờ trình đề nghị gia hạn hạn mức tín dụng, được bà Đinh Thị Hiền và Nguyễn Thị Tâm (nguyên Phó tổng giám đốc Techcombank) đồng ý. Trong 9 khoản vay trên có 2 khoản vay 8 tỉ đồng không có tài sản bảo đảm nhưng bà Nguyễn Thị Tâm, ông Trần Hoài Phương (Phó tổng giám đốc Techcombank) vẫn ký cho giải ngân. Đối với khế ước của ông Phương đã được khắc phục hậu quả nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bà Tâm đang điều trị ung thư nên cơ quan điều tra đề nghị không xử lý hình sự.
Cũng theo kết luận điều tra, Lương Hữu Lâm đã ký đề nghị duyệt giải ngân, có những khế ước không tài sản bảo đảm, không có báo cáo tài chính, không có quyết toán thuế. Với những khoản vay ban đầu, dù biết Công ty Vân An vi phạm hợp đồng tín dụng nhưng Lâm vẫn tiếp tục đề nghị giải ngân thêm 4 tỉ đồng.
Bà Lê Thị Mỹ Hằng (nguyên Phó giám đốc Techcombank TP.HCM) đã ký thay, duyệt giải ngân 3 lần hơn 17 tỉ đồng trong thời gian ông Lâm và bà Hiền đi vắng mà không đọc hồ sơ cho vay. Tuy nhiên, hậu quả bà Hằng gây ra đã được khắc phục nên không truy cứu trách nhiệm hình sự. Một số lãnh đạo, cán bộ nhân viên Techcombank TP.HCM có sai phạm trong việc cho Công ty Vân An vay vốn, nhưng do các khoản vay đó đã được khắc phục nên không bị xử lý hình sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.