Người đứng đầu Đảng và Nhà nước cũng chia sẻ có nhiều người lo ngại công việc đấu tranh chống tham nhũng bị sụt đi hoặc rơi vào im lặng. Tuy nhiên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: “Mới đây thôi chúng ta đã xử vài vụ, rồi bổ sung các vụ vào diện Ban Chỉ đạo T.Ư phòng chống tham nhũng tiếp tục xử lý... Vụ AVG là điển hình nói lên nhiều điều, ngoài xử lý số lượng nhiều, 2 cựu ủy viên T.Ư, 2 cựu bộ trưởng. Chưa bao giờ ta xử được tội hối lộ, chưa bao giờ thu được tài sản lớn như vậy; thu cho nhà nước được 8.500 tỉ đồng; có người nhận hối lộ 3 triệu USD. Viện kiểm sát phải đề nghị tử hình nhưng đã xin nộp lại tiền, nộp tiền rồi giờ đề nghị tội chung thân. Nó có tác dụng giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh”.
Trước đó, đánh giá chung về kết quả năm 2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhận định “kết quả tốt hơn, cao hơn năm 2018”. Cụ thể, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7% - cao hơn mục tiêu đề ra. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cán cân lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực
văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét. Tiềm lực quốc phòng an ninh tiếp tục được tăng cường; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu; củng cố hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và lợi ích chiến lược của đất nước.
Tuy nhiên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đạt được và để năm 2020 tiếp tục tốt hơn năm 2019, ông đề nghị tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ.
Một là tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.
Hai là, cần quan tâm hơn nữa và có chính sách thiết thực đối với phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người hài hòa với
phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Thứ ba,
quốc phòng, an ninh, đối ngoại phải tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.
Bốn là công tác xây dựng Đảng,
hệ thống chính trị cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định.
Cuối cùng là chuẩn bị tốt cho việc tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, trong đó cần tránh các biểu hiện xấu thường thấy trước mỗi kỳ đại hội là tư tưởng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, giữ mình cho trọn vẹn, nể nang, thỏa hiệp, né tránh va chạm, vận động tranh thủ phiếu bầu, kích động chia rẽ nội bộ.
Tăng trưởng cao mà không phải đánh đổi
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay những thành quả KT-XH có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả. Điều đáng nói là, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc, thường là có sự đánh đổi trong tiến trình phát triển. Tuy nhiên, những kết quả năm qua cho thấy “quy luật” này đã không còn đúng.
Đầu tiên, theo Thủ tướng, quy mô nền kinh tế càng lớn càng khó có thể tăng trưởng nhanh, nhưng nay đã khác. “Năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỉ USD, lớn gấp 9,3 lần so với năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chúng ta chỉ tăng trưởng 6,21%, thì năm 2019 chúng ta đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỉ USD”, Thủ tướng dẫn chứng để đi đến khẳng định: “Điều này cho thấy quy mô càng lớn thì việc đạt được thêm 1 điểm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó hơn nhưng không phải là không thể đạt được”.
Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta lại có sự cải thiện rất rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
|
Tương tự, theo người đứng đầu Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng phải chấp nhận đánh đổi giữa tăng trưởng nhanh và ổn định vĩ mô, hoặc tốc độ tăng trưởng cao thì phải đánh đổi chất lượng tăng trưởng. Nhưng Thủ tướng nêu rõ, năm 2019, chúng ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên
thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%; nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56% GDP; dự trữ ngoại hối gần 80 tỉ USD...
“Không phải lúc nào cũng đánh đổi giữa số lượng và chất lượng tăng trưởng, giữa tăng trưởng cao và tăng trưởng bền vững. Các mô hình tăng trưởng trước đây cho thấy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh, chất lượng tăng trưởng thường bị giảm sút. Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta lại có sự cải thiện rất rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động”, Thủ tướng nói và cho biết cùng với đó, việc phát triển đồng đều giữa thành thị và nông thôn cũng là một “mục tiêu kép” mà chúng ta đã đạt được rất ấn tượng.
Theo Thủ tướng, trong khi các thành phố đầu tàu truyền thống vẫn tiếp tục giữ vai trò động lực, duy trì đóng góp lớn và dẫn dắt nền kinh tế đi lên thì nhiều địa phương khác bắt đầu nổi lên, ngày càng trở thành một nhân tố có đóng góp quan trọng vào
tốc độ tăng trưởng chung cả nước.
Thủ tướng đánh giá để tiếp nối và phát huy cao hơn nữa những thành quả KT-XH đã đạt được trong năm 2019, các bộ, ngành và địa phương cần đặt ra những mục tiêu cao, cùng hiến kế đưa kế hoạch, mục tiêu về đích sớm, đạt được nhiều thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa cho năm 2020.
“Hội nghị cần chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, cần có đột phá gì về cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp đã được ban hành ở T.Ư”, Thủ tướng gợi mở.