Đề bạt, bổ nhiệm cán bộ ở một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định

Thu Hằng
Thu Hằng
27/12/2019 16:19 GMT+7

Ở một số bộ, ngành, địa phương, công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết thông tin trên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành Nội vụ năm 2020, diễn ra ngày 27.12. 

Cả nước tinh giản biên chế 50.547 người

Theo ông Nguyễn Trọng Thừa, năm 2019, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm so với năm 2015. Trong đó, tại 63/63 địa phương giảm 4,26%, tại 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 8/8 cơ quan thuộc Chính phủ giảm 11,85%. Từ năm 2015 đến ngày 20.12.2019, cả nước đã thực hiện tinh giản biên chế 50.547 người.
Về xây dựng chính quyền địa phương, địa giới hành chính, Bộ Nội vụ đã tập trung hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng không đạt 50% cả hai tiêu chí diện tích và dân số.
Đến ngày 25.12, Bộ Nội vụ nhận được hồ sơ đề án của 42/45 địa phương, đã tổ chức thẩm định hồ sơ đề án của 40 địa phương; đã trình Chính phủ thống nhất hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 40 địa phương; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề án của 21 địa phương; dự kiến sau khi sắp xếp giảm 6/713 đơn vị hành chính cấp huyện và 560/11.160 đơn vị hành chính cấp xã.
Mặc dù toàn ngành Nội vụ đã tập trung chỉ đạo và đảm bảo nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành như: cải cách hành chính; quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức bộ máy và biên chế; tổ chức chính quyền địa phương; chính sách tiền lương…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng thừa nhận: “Công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của nhân dân. Chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ, công chức chưa cao, các biện pháp giải quyết chưa đạt yêu cầu. Một số cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vẫn còn có những biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu; công tác phối hợp giữa bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết công việc chưa được chưa tốt...”.

Nghiên cứu, đề xuất mô hình nhất thể hóa các chức danh đồng cấp

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị năm 2020, lãnh đạo Bộ Nội vụ cần phát huy dân chủ, đoàn kết, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong đó, tiếp tục tập trung công tác xây dựng thể chế, rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà bộ, ngành Nội vụ được phân công, không để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý Bộ Nội vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức bảo đảm đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước; nhất là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, kỷ luật; rà soát những vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng, thi nâng ngạch quản lý công chức, viên chức để có giải pháp khắc phục; khẩn trương triển khai công việc để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021.
Phó thủ tướng nêu rõ: “Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan ngành dọc của T.Ư đảm bảo tinh gọn, hợp lý. Kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế các cơ quan nhà nước theo kế hoạch đã đề ra, đồng thời, nghiên cứu chế độ hợp đồng đối với viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Ngoài tiếp tục nghiên cứu việc phân cấp giữa T.Ư và địa phương trên các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, Phó thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục rà soát, tiến hành đánh giá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, bộ máy.
“Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, đề xuất mô hình nhất thể hóa các chức danh đồng cấp, đảm bảo cơ cấu cán bộ, công chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế. Thực hiện tốt công tác quản lý hành chính nhà nước về địa giới hành chính, giải quyết triệt để các vụ tranh chấp địa giới hành chính cấp tỉnh do lịch sử để lại”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.