Đê bao sông Sài Gòn thi công không đúng thiết kế

14/03/2021 06:27 GMT+7

Đã hơn 6 năm công trình hoàn thành nhưng dự án vẫn chưa được bàn giao do cao trình dự án thực tế thấp hơn cao trình thiết kế đến cả nửa mét.

Dự án công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn (đi qua Q.12, Q.Gò Vấp và H.Hóc Môn, H.Củ Chi, TP.HCM) gồm 2 dự án nhỏ: đoạn từ sông Vàm Thuật đến rạch Tra (Nam rạch Tra) và đoạn từ tỉnh lộ 8 đến rạch Tra (Bắc rạch Tra).
Dự án có tổng chiều dài đê bao sông hơn 26,8 km (từ sông Vàm Thuật đến rạch Bà Bếp) và hơn 78,7 km bờ bao các rạch nội đồng, 3 cầu giao thông, 345 cống, tổng mức đầu tư 862,8 tỉ đồng.

1 Km có đến 11 vị trí nguy cơ sạt lở

Theo thiết kế, tuyến đê bao ven sông Sài Gòn có cao trình 2,2 m cho phép xe tải trọng 5 tấn lưu thông, bờ bao rạch nội đồng cao 2 m cho phép xe 1 tấn lưu thông. Chức năng chính của dự án nhằm chống lũ cho 6.614 ha đất sản xuất nông nghiệp và khu dân cư, ngăn mặn, ô nhiễm từ sông Sài Gòn tràn vào; đồng thời kết hợp làm nền xây dựng hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế vườn, du lịch.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (nay là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, gọi tắt Ban quản lý) khởi công từ năm 2007 và cơ bản hoàn thành năm 2015. Sau nhiều năm sử dụng, dự án bộc lộ nhiều bất cập, nhiều đoạn xuống cấp ảnh hưởng cuộc sống, sản xuất của người dân.
Trong gần 27 km bờ bao ven sông Sài Gòn, xã Nhị Bình (H.Hóc Môn) bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi có những đợt triều cường lớn, nước tràn bờ bao vào nội đồng ảnh hưởng đến hoa màu. Theo khảo sát của Chi cục Thủy lợi TP.HCM, dọc tuyến đê bao sông Sài Gòn dài gần 1 km qua xã Nhị Bình (dự án Nam rạch Tra) có tới 11 vị trí có nguy cơ sạt lở.
Trong buổi đối thoại với Chủ tịch UBND TP.HCM cuối tháng 2.2021, ông Đặng Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Nhị Bình, cho hay đoạn đê bao qua địa bàn xã hoàn thành từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao nên công tác duy tu bảo dưỡng không được thực hiện đầy đủ. Đáng nói, cao trình thiết kế của dự án có thể ngăn được triều cường cao 2,2 m nhưng một số đợt triều cường vừa qua chỉ ở mức 1,6 m đã có vài đoạn nước tràn bờ đê. Chưa kể, hệ thống cửa van ngăn triều cũng thỉnh thoảng bị hư, mất cắp.
“Ở xã Nhị Bình, cứ đến “mùa” triều cường, mùa mưa thì xã phải dồn gần như toàn bộ lực lượng để hỗ trợ bà con, đắp tạm bằng các bao cát để hạn chế nước tràn bờ”, ông Xuân nói.
Đê bao sông Sài Gòn thi công không đúng thiết kế1

Người dân ở xã Nhị Bình (H.Hóc Môn) phải dùng bao cát ngăn nước từ sông Sài Gòn tràn vào nội đồng

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Công trình hoàn thành, sao chưa bàn giao ?

Giải thích về việc dự án xuống cấp, lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.HCM cho rằng công trình đê bao được thi công bằng phương pháp đất đắp trên nền đất yếu, mật độ giao thông ngày càng nhiều, một số gói thầu hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2012 nên qua thời gian sử dụng, một số vị trí xuống cấp, hư hỏng, sụt lún. Bên cạnh đó, TP.HCM bị ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều cùng đỉnh triều cường tăng cao trong những năm gần đây dẫn đến tình trạng tràn bờ làm xuống cấp một số vị trí đê bao, bờ bao. Về nguyên nhân chủ quan, dự án vẫn chưa được bàn giao cho đơn vị quản lý, khai thác, vận hành nên công trình chưa được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ thường xuyên.
Dự án hoàn thành nhưng chưa được bàn giao khiến dư luận đặt nghi vấn về chất lượng công trình không đạt so với thiết kế ban đầu. Về vấn đề này, lãnh đạo Sở NN-PTNT xác nhận, trước khi làm thủ tục bàn giao, Sở đã kiểm tra thực tế và nhận thấy cao trình đê bao và các cống ngăn không đạt theo cao trình thiết kế đã duyệt nên không thể tiếp nhận công trình. Sau đó, Ban quản lý kiến nghị bàn giao dự án theo hiện trạng, tuy nhiên Sở NN-PTNT cho rằng việc này chưa có cơ sở pháp lý cũng như chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn để thực hiện.
Đáng chú ý, UBND TP.HCM đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hư hỏng để bàn giao công trình cho đơn vị quản lý theo quy định nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”. Ban quản lý cho hay đang làm việc với Sở NN-PTNT cùng tháo gỡ vướng mắc để sớm bàn giao dự án.
Để khắc phục các vị trí xuống cấp, theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát các vị trí bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư để kịp thời xử lý, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân. Về lâu dài, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở KH-ĐT phối hợp các sở ngành liên quan nghiên cứu, giải quyết những khó khăn, vướng mắc để xử lý dứt điểm việc bàn giao công trình.
Chưa thể nâng cấp thành đường ven sông
Năm 2018, Trung tâm chống ngập TP.HCM từng đề xuất nâng cấp tuyến đê bao từ rạch Tra đến sông Vàm Thuật qua Q.12, Q.Gò Vấp và H.Hóc Môn thành đường ven sông nhằm phát huy hiệu quả đồng bộ phòng chống triều cường, xả lũ, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, kết hợp giao thông nội khu.
Dự án này đã được HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 29 tháng 12.2017. Tuy nhiên, Sở NN-PTNT cho hay để biến đê bao thành đường ven sông thì phải chờ đến khi chủ đầu tư bàn giao công trình cho đơn vị quản lý khai thác và kết thúc giai đoạn 1 mới có thể triển khai các bước đầu tư giai đoạn 2.
GS-TSKH Lê Huy Bá, giảng viên Khoa Môi trường tài nguyên và biến đổi khí hậu (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM), chỉ ra hạn chế của phương pháp thi công bờ đê bằng đất đắp là công trình nằm trên nền đất yếu, vật liệu là bùn đất có nhiều chất hữu cơ nên khi khô sẽ bị rỗng dẫn đến nguy cơ thẩm lậu lớn, đê nhanh hỏng. Để khắc phục, chủ đầu tư phải đắp đất hoặc bê tông nhựa cho đủ thiết kế thì mới có thể nghiệm thu; đồng thời tính toán đến yếu tố nước biển dâng, biến đổi khí hậu theo chiều hướng cực đoan để xác định cao trình phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.