ĐBSCL trước thách thức biến đổi khí hậu: Tìm mô hình tối ưu

26/09/2017 12:11 GMT+7

Sáng 26.9, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn tới năm 2100.

Hai Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì phiên khai mạc hội nghị.
Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các tỉnh, thành ĐBSCL.

tin liên quan

Gần 900 km bờ sông, biển ĐBSCL sạt lở
Con số đó tương đương hơn một nửa chiều dài bờ sông, biển ĐBSCL hiện tại. Nó khiến nơi được coi là 'nồi cơm của thế giới' đối mặt với rất nhiều thách thức.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến nhiều chủ trương, chính sách đã giúp ĐBSCL có bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Những ưu thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL sẽ thay đổi. Do đó, định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo. 
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết hội nghị lần này được tổ chức để hướng tới tầm nhìn về một ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng, gắn kết chặt chẽ với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và tiểu vùng sông Mê Kông.
Hai Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì phiên khai mạc hội nghị Ảnh Đình Tuyển
“Tôi đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khi thảo luận và trao đổi cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cách tiếp cận theo hướng mở, hiện đại... Các giải pháp đưa ra cần có tính đột phá, khả thi cao, mang tính kết nối, kế thừa”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 26 và 27.9. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì phiên toàn thể của hội nghị trong ngày 27.9.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề:
Một là phân tích, nhận diện được đầy đủ hơn các thách thức do biến đổi khí hậu, quá trình phát triển nội tại của vùng ĐBSCL, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn.
Hai là, dự báo được các xu thế tác động chính, nhận diện được các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở cho định hình mô hình phát triển vùng ĐBSCL và các định hướng chuyển đổi lớn.
Ba là, thảo luận và đề xuất các cơ chế chính sách đổi mới có tính đột phá nhằm tận dụng cơ hội chuyển hóa các thách thức thúc đẩy quá trình chuyển đổi, phát triển bền vững ĐBSCL; trong đó, tập trung vào các cơ chế về đất đai, thuế, kiến tạo thị trường, xúc tiến đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Bốn là, xác định các dự án, các nhóm nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án ưu tiên với nguồn lực, lộ trình thực hiện phù hợp trong tổng thể phát triển toàn vùng với sự tham gia của các bên bao gồm: Chính phủ, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL và các khu vực lân cận, nhất là TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.