ĐBQH phàn nàn tình trạng 'làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng'

31/10/2017 11:45 GMT+7

"Mỗi người dân gánh thuế, phí trên GDP gấp 1,3 lần so với các nước khác, làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng", ĐBQH Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) phát biểu tại QH sáng nay và đề nghị "Chính phủ không nên tận thu".

Hôm nay, 31.10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quốc hội nêu.

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết, nợ công năm 2020 dự báo lên 4,2 triệu tỉ đồng, trả nợ vay hàng năm chiếm 7-8% tổng chi ngân sách nhà nước. Như vậy, bình quân mỗi năm người dân phải trả lãi hơn 100 nghìn tỉ đồng, xấp xỉ bằng nửa số tiền bán vốn trong 5 năm.

Theo đại biểu Hàm, hiện khả năng trả nợ khó khăn, ngân sách nhiều năm không có nguồn trả nợ, vay đảo nợ, quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng nợ. Dự báo đến năm 2020 nếu không khắc phục được, nguồn trả nợ cũng từ nguồn vay mới lên đến 232.000 tỉ đồng. Nhiều năm nay tăng thu, tiết kiệm chưa ưu tiên cho tích luỹ trả nợ.

“Tinh giản biên chế không đạt mục tiêu nên giảm chi bộ máy không hiệu quả. Năm 2015 - 2016, khối hành chính giảm được 0,83 %, quá xa so với mục tiêu 10 % đến 2021. Giao biên chế chậm, năm 2018 vẫn lập và phân bổ dự toán chi theo biên chế 2017. Thực hiện tự chủ các đơn vị sự ghiệp triển khai chậm, hiệu quả thấp”, đại biểu Hàm phân tích.

tin liên quan

Nợ công vẫn tăng, thu từ 'ông lớn' giảm
Các báo cáo mà Chính phủ vừa gửi các đại biểu Quốc hội phục vụ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14 đang diễn ra cho thấy nhiều chỉ dấu đáng lo ngại về nợ công, thu ngân sách từ khối các doanh nghiệp nhà nước.

Vẫn theo ông Hàm, hiện thanh tra, kiểm toán vẫn còn phát hiện nhiều khoản chi sai, phải xuất toán, thu hồi. ODA đi vay nhưng chưa bố trí đủ dự toán, chưa sử dụng đầu tư nhưng vẫn phải trả lãi. Công trình kéo dài, chậm đưa vào sử dụng. “Đề nghị Chính phủ cần kịp thời cải cách chính sách thu, giảm biên chế, đẩy nhanh cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực sự nghiệp, cân nhắc khoán chi không thường xuyên cho các đơn vị đã tự chủ được, ưu tiên tích lũy trả nợ, kiểm soát chặt chẽ ODA”, đại biểu Hàm phát biểu.

Đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Than khoáng sản (TKV), cũng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nợ công và áp lực trả nợ. Theo ông Chuẩn, Việt Nam là 1 trong những nước có nguồn thu từ người dân trên tổng thu nhập rất lớn; tỷ lệ huy động thuế phí hiện nay ở mức bình quân khoảng 20% cao hơn Thái Lan 16,1%, Malaysia 14%... Mỗi người dân gánh thuế, phí trên GDP gấp 1,3 lần so với các nước khác, làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng. Năm 2017, theo đại biểu Chuẩn, Chính phủ đã áp dụng tối đa các khoản thu nhưng kết quả thu ngân sách vẫn giảm.

“Cần xem lại chính sách thuế, phí. Chính phủ không nên tận thu của người dân, doanh nghiệp, nên chuyển sang nuôi dưỡng nguồn thu”, đại biểu Chuẩn đề nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.