ĐBQH bức xúc về việc đang thi hành án nhưng vẫn được làm cán bộ

25/10/2014 16:11 GMT+7

(TNO) Hôm nay 25.10, Quốc hội đã nghe và thảo luận báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm , báo cáo về công tác thi hành án, các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

>> Tội phạm ma túy khiến các cơ sở giam giữ bị quá tải
>> Tội phạm nảy sinh từ ma túy rất lớn
>> Chặn đường tội phạm !
>> Thu hồi hơn 21.880 tỉ đồng từ tội phạm kinh tế, tham nhũng

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) nêu ra những bất cập trong công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ ở nơi cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm một số chức vụ... Cụ thể theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc thi hành án treo, cải tạo không giam giữ... mặc dù có chuyển biến nhưng còn hạn chế, phải xử lý 316 trường hợp.

UBND cấp xã nhiều địa phương chưa phân công theo dõi người chấp hành án treo, có trường hợp người thi hành án đã bị tòa cấm đảm nhiệm chức vụ nhưng vẫn được chính quyền bố trí chức vụ gây bất bình dư luận như trường hợp ông Phạm Đăng Hoan, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND và ông Lê Thanh Liêm, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng).

Cụ thể ngày 1.8.2013, ông Hoan và ông Liêm bị tuyên phạt tổng cộng 39 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và 78 tháng thử thách, cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ trong các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội trong thời hạn 1 năm do có liên quan đến vụ cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn hồi năm 2012. Tuy nhiên vào ngày 17.4.2014 UBND huyện Tiên Lãng đã có văn bản đồng ý với đề xuất ký hợp đồng với ông Hoan và ông Liêm làm cán bộ kế toán và cán bộ địa chính nông nghiệp của UBND xã Vinh Quang.

Theo ĐB Dung, trên khía cạnh xã hội của việc thi hành án treo, nổi lên những vấn đề gây bất bình dư luận. Trong khi hàng chục ngàn người tốt nghiệp ĐH và trên ĐH chưa có việc làm thì chính quyền một số xã đã ký hợp đồng với những người thi hành án vào làm việc hoặc chuyển xã này xã khác giữ vị trí công tác đó.

ĐB Dung dẫn ra ví dụ xảy ra vào 8.2014 tại xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) bố trí 2 người mới thi hành án treo được 8 tháng là ông Phí Đình Hưng, nguyên Chủ tịch UBND xã, làm kế toán khi ông này còn phải chấp hành 28 tháng án treo và 5 năm thử thách; ông Nguyễn Văn Thuyết, nguyên cán bộ địa chính vào làm cán bộ văn phòng khi còn phải chấp hành 16 tháng án treo và 48 tháng thử thách.

Tương tự trường hợp ông Nguyễn Văn Chính (Xuân Châu, Thọ Xuân, Thanh Hóa) là cán bộ địa chính, vào 5.2012 đã bị tuyên 30 tháng tù treo với tội cố ý gây thương tích nhưng sau khi xét xử, huyện đã cho ông Chính giữ nguyên vị trí công việc nhưng chuyển từ xã Xuân Châu sang xã Thọ Lập.

Theo ĐB Dung, còn nhiều trường hợp tương tự xảy ra tại nhiều địa phương. Các cấp chính quyền gần dân nhất, nhưng lại đưa những người sai phạm, không đủ phẩm chất vào đại diện cho cho chính quyền. “Đây là điều gây bức xúc và bất an, làm người dân mất niềm tin”, ĐB Dung nói.

Điều tra, khởi tố vẫn là khâu yếu

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), báo cáo của Chính phủ cho thấy tình hình tội phạm vẫn tiếp tục tăng về số vụ, đặc biệt là nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu, nổi lên là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Các vụ việc diễn ra chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, đầu tư công, đất đai, y tế, xây dựng cơ bản, khoáng sản, tội đánh bạc, trong đó cá độ bóng đá trải dài hàng chục tỉnh thành với số tiền lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng.

Huynh-Nghia
ĐBQH Huỳnh Nghĩa phát biểu tại hội trường - Ảnh: Tr.Sơn

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, đây là những mặt tối đáng báo động, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và lòng tin của nhân dân vào chế độ. ĐB Nghĩa cho rằng cần đánh giá phân tích vì sao có tình trạng này. “Phải chăng trong công tác quản lý cán bộ, quản trị quốc gia còn quá lỏng lẻo yếu kém?”, ĐB Nghĩa đặt câu hỏi.

Theo ĐB Nghĩa, năm 2014 ngành công an đã khởi tố điều tra hơn 159.000 bị can nhưng phải tạm đình chỉ điều tra hơn 3.200 bị can, đặc biệt có 91 công dân oan sai. Ngành công an phải đình chỉ điều tra 60 bị can do hành vi không cấu thành tội phạm, đã hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm. Ngành kiểm sát đình chỉ điều tra 10 bị can do hành vi không cấu thành tội phạm, ngành tòa án tuyên 21 bị cáo không phạm tội.

“Điều này chứng tỏ công tác khởi tố điều tra tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn là khâu yếu”, ĐB Nghĩa nhận xét. Theo ĐB Nghĩa, nguyên nhân cơ bản là điều tra viên hoặc có vấn đề hoặc trình độ năng lực hạn chế hoặc xem nhẹ trách nhiệm trước nhân dân, khi khởi tố không nghiên cứu xem xét thấu đáo đầy đủ các tình thiết khách quan.

“Đề nghị lãnh đạo các ngành công an, kiểm sát báo cáo trước Quốc hội đã xử lý các điều tra viên kiểm sát viên này như thế nào. Nếu không xử lý nghiêm cán bộ thì không có tác dụng răn đe. Số người bị oan sẽ ngày càng tăng làm mất niềm tin của người dân vào công lý của chế độ”, ĐB Nghĩa nói.

Làm rõ các vụ công dân tự sát khi bị tạm giữ

Theo ĐB Nghĩa, năm 2014 là năm báo động về tình trạng lỏng lẻo của công tác tạm giữ, tạm giam. Thống kê cho thấy có 31 người tự sát khi đang tạm giữ, tạm giam, người bị đối tượng cùng buồng giam đánh chết, 63 người bỏ trốn khỏi nơi tạm giam, phạm nhân đang ở tù nhưng vẫn có ma túy...

Tuy nhiên theo ĐB Nghĩa, báo cáo của Chính phủ đã không phân tích đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự lỏng lẻo hiện nay. “Việc xử lý cán bộ công an sai phạm như thế nào, phương án khắc phục tình trạng này ra sao? Đề nghị Bộ Công an báo cáo rõ với Quốc hội vấn đề này, đặc biệt là trường hợp các công dân tự sát khi đang bị tạm giữ? Đây là vấn đề danh dự cần làm rõ, trả lời công khai với công luận, gia đình những người đã chết”, ĐB Nghĩa nói.

Còn hơn 14.000 đối tượng phạm pháp ở ngoài xã hội

Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm do Bộ trưởng Trần Đại Quang trình bày cho biết năm 2014 có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến an ninh trật tự.

Lực lượng công an đã triển khai nhiều biện pháp, xử lý kịp thời những vụ phức tạp về an ninh trật tự, phá hoại kích động gây rối của các thế lực thù địch. Về tội phạm trật tự xã hội, năm 2014 giảm 1,59% tội phạm giết người.

Tuy nhiên, án mua bán người, đánh bạc có tăng, đã phát hiện hơn 4.900 băng nhóm liên quan các hoạt động đánh bạc, bảo kê, cá độ, hơn 10.000 đối tượng đã ra đầu thú nhưng vẫn còn tới hơn 14.000 đối tượng đang bị truy nã. Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng cho biết lực lượng công an triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn, khởi tố hơn 300 vụ án trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán.

Trường Sơn - Hà Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.