Đây là một sự cố hàng không hết sức bí ẩn, chưa từng có tiền lệ

12/03/2014 08:32 GMT+7

(TNO) Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết trường hợp tìm kiếm không có kết quả kéo dài, đến một thời điểm nào đó Việt Nam sẽ phải thống nhất với các bên dừng việc tìm kiếm. Ông Tiêu cũng lưu ý đây là một sự cố hàng không hết sức bí ẩn, chưa từng có tiền lệ.

(TNO) Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết trường hợp tìm kiếm không có kết quả kéo dài, đến một thời điểm nào đó Việt Nam sẽ phải thống nhất với các bên dừng việc tìm kiếm. Ông Tiêu cũng lưu ý đây là một sự cố hàng không hết sức bí ẩn, chưa từng có tiền lệ.

>> Toàn cảnh vụ máy bay Malaysia mất tích


Hình ảnh chiếc phao cứu sinh mà ngư dân Malaysia tìm thấy trôi dạt trên biển - Ảnh chụp màn hình New Strait Times (Malaysia)

[19 giờ 20] Đánh giá về sự phối hợp của phía Malaysia, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu thẳng thắn cho rằng phía Malaysia chưa chủ động trong việc cung cấp thông tin trong quá trình tìm kiếm.

Ông Tiêu cũng lưu ý đây là một sự cố hàng không hết sức bí ẩn, chưa từng có tiền lệ. Cho đến lúc này vẫn chưa thể đánh giá được chi phí của Việt Nam cho các hoạt động tìm kiếm là bao nhiêu bởi có sự tham gia của nhiều lực lượng, trong đó có quân đội.

"Trường hợp việc tìm kiếm không có kết quả kéo dài, đến một thời điểm nào đó chúng tôi sẽ phải thống nhất với các bên dừng việc tìm kiếm", ông Tiêu nói.

Malaysia lại thừa nhận thấy máy bay mất tích ở eo biển Malacca?

[18 giờ 30] Radar quân đội Malaysia đã phát hiện ra một vật được cho là chiếc máy bay mất tích thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines tại một khu vực ở eo biển Malacca, cách nơi máy bay biến mất khỏi màn hình của trạm không lưu hôm 8.3 hàng trăm cây số, Tổng tư lệnh không quân Malaysia phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12.3, theo Reuters.

Tuy nhiên, quan chức quân đội Malaysia này cũng nhấn mạnh rằng thông tin nói trên vẫn cần phải được làm rõ.

[18 giờ] Trong cuộc họp báo vào lúc 17 giờ 45 phút tại Sở chỉ huy hiện trường đảo Phú Quốc, chuẩn đô đốc Lê Minh Thành, Phó tư lệnh quân chủng hải quân Việt Nam, cho biết: "Hiện các hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích vẫn được duy trì trên không, trên biển. Chúng tôi có ý đinh giảm bớt cường độ nhưng đến giữa trưa vẫn tiếp tục. Chúng tôi vẫn giữ nguyên lực lượng tìm kiếm".

Ông Thành cho biết hôm nay các lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã tiến hành mở rộng phạm vi tìm kiếm gần khu vực Campuchia, vì nhận định gió và sóng có thể đẩy các vật nhẹ, nổi được, trôi đến. Nhưng rất tiếc, công việc tìm kiểm ở khu vực mới vẫn không tìm thấy gì.

Ông Thành khẳng định sự chia sẻ với Malaysia đến giờ vẫn tiếp tục. Quy mô tìm kiếm ngày mai cũng sẽ duy trì như hôm nay hoặc tăng cường hơn, nếu có phát hiện thêm các hiện tượng.

"Về thông tin có người ở giàn khoan Vũng Tàu báo thấy cháy trên trời, chúng tôi đã xác minh là không có gì", ông Thành lưu ý thêm.

Được biết, hôm nay Việt Nam đã có 9 chuyến bay tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia.


Quang cảnh họp báo do chuẩn đô đốc Lê Minh Thành chủ trì vào chiều tối ngày 12.3 tại Phú Quốc - Ảnh: Trung Hiếu

[17 giờ 50] Trong cuộc họp báo chiều nay (giờ địa phương), Bộ trưởng Giao thông Malaysia, ông Hishammuddin Hussein khẳng định định Malasia sẽ không từ bỏ hy vọng tìm thấy chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines, chở 239 người, mất tích hôm 8.3.

[16 giờ 46] Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam cho biết từ sáng nay, Malaysia đã tạm dừng tìm kiếm máy bay nghi mất tích trong khu vực biển của Việt Nam để tập trung tìm kiếm ở vùng eo biển Malacca của nước này.

Theo đại diện Sở Chỉ huy, Malaysia cũng chưa gửi thông báo về kế hoạch sẽ bay tìm kiếm trong khu vực biển Đông của nước ta vào ngày mai.

Hiện nay hoạt động bay tìm kiếm trong vùng thông báo bay TP.HCM (FIR) đang được thực hiện bởi 3 nước là Việt Nam, Singapore và Trung Quốc.

"Maylaysia nhờ Việt Nam tiếp tục duy trì tìm kiếm máy bay mất tích của họ và nếu phát hiện thấy dấu hiệu nào thì báo để họ biết. Tuy phủ nhận thông tin dò được tín hiệu từ radar cho thấy phát hiện máy bay tại Malacca nhưng Malaysia cho biết họ vẫn tiến hành tìm kiếm để không bỏ sót những dấu hiệu nào”, đại diện Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết.

Phạm vi tìm kiếm của máy bay AN 26 bay mở rộng về phía Đông, cách Đông Nam tỉnh Sóc Trăng hơn 60 km (rộng khoảng 35.000 km2); thủy phi cơ và trực thăng Mi-171 sẽ tìm kiếm ở khu vực biển ngày hôm nay đã tìm (giữa đảo Phú Quốc và Thổ Chu, rộng hơn 5.000 km2).

[16 giờ 45] Chính phủ Trung Quốc đã có một nghĩa cử hiếm có dành cho Nhật Bản vào hôm nay, đó là lên tiếng, dù chỉ là gián tiếp, cám ơn Tokyo vì đã ngỏ lời hỗ trợ tìm kiếm máy bay bị mất tích thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines, theo Retuers.

[16 giờ 30] Theo New Strait Times (Malaysia), cảnh sát bang Terengganu, phía đông Malaysia, hôm nay đã nhận được tin báo cho biết cư dân vùng duyên hải Marang đã nghe tiếng nổ lớn vào sáng 8.3, thời điểm chiếc máy bay Boeing 777 thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines bắt đầu mất liên lạc.

[16 giờ] Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết hôm qua (11.3) một máy bay của Vietnam Airlines bay qua và phát hiện có một tín hiệu ở vùng bắc Đà Nẵng. Cục Hàng không đã cung cấp tần số cho Trung tâm cứu nạn hàng hải điều tàu kiểm tra nhưng không thấy gì. Tín hiệu này chỉ báo một lần duy nhất và sau đó các máy bay khác bay qua lại không nhận thấy tín hiệu trên.

[15 giờ 40] Chiếc thủy phi cơ DHC-6 đã cất cánh từ Phú Quốc (Kiên Giang) bay ra vùng tìm kiếm tại tọa độ 09'55"00 vĩ độ bắc, 102'55"00 kinh độ Đông, cách đảo Phú Quốc 240 km, vào khu vực chồng lấn giữa Việt Nam - Campuchia.

Muốn bay sang khu vực này, phía Việt Nam cần có sự đồng ý từ phía Campuchia. Đây là vùng tìm kiếm mới của DHC-6 trong chiều hôm nay.

Thủy phi cơ bay sang vùng biển Campuchia tìm kiếm máy bay mất tích 3
Chiếc phi cơ đang di chuyển ra đường băng để chuẩn bị xuất phát - Ảnh: Tiến Trình

[15 giờ 50] Hôm nay chính phủ Nhật Bản đã quyết định gửi 4 máy bay thuộc Lực lượng Phòng vệ trên Không (SDF) hỗ trợ việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines.

[15 giờ 35] Sau nhiều ngày tìm kiếm trong vô vọng chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines mất tích hôm 8.3, chính quyền Malaysia chiều nay thừa nhận họ không biết chính xác vị trí chiếc máy bay lần cuối trước khi mất tích, theo đài France 24 (Pháp).

[15 giờ 15] Theo Reuters, một lãnh đạo cấp cao của Malaysia Airlines hôm nay tuyên bố hãng hàng không này “không có lý do gì để tin rằng” phi hành đoàn đã có hành động nào khiến máy bay mất tích.

[14 giờ 15] Ông Đoàn Hữu Gia, Phó tổng giám đốc, Tổng công ty Quản ly bay Việt Nam cho biết đã nhận được email của người nước ngoài đang làm việc ở mỏ dầu cách Vũng Tàu 300 km cho biết người này phát hiện một vệt sáng trên biển trong ngày hôm nay.

[14 giờ] Một nhóm ngư dân Malaysia đã phát hiện ra một tấm phao cứu sinh có in dòng chữ “Boarding” nằm cách thị trấn Cảng Dickson (Malaysia) khoảng 19 km vào lúc 12 giờ trưa (giờ địa phương) hôm 11.3, theo tờ New Straits Times (Malaysia). Thị trấn này nằm bên bờ eo biển Malacca.

sân bay Cà Mau
Các trực thăng tham gia tìm kiếm - Ảnh: Đình Tuyển

[12 giờ 15] "Thôi nhé! Chúc ngủ ngon!" là những từ cuối cùng phát ra từ buồng lái trên máy bay hãng Malaysia Airlines mất tích, lần đầu tiên được công bố trong cuộc họp trưa nay 12.3, tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Tuy nhiên nhà chức trách Malaysia không nói rõ ai nói, theo trang tin Straits Times (Singapore).

[11 giờ 15] Malaysia vẫn phủ nhận tính chính thức của thông tin máy bay mất tích ở eo biển Malacca, nhưng việc tìm kiếm, cứu hộ đã được nước này mở rộng sang phía nam biển Andaman.

“Nếu quân đội Malaysia không thấy MH370 chuyển hướng sang eo biển Malacca, vậy họ mở rộng tìm kiếm ở biển Andaman để làm gì? Ai quyết định tìm kiếm tại đó và vì sao?”, một cư dân mạng Malaysia đặt nghi vấn trên Twitter.


Malaysia vẫn phủ nhận tính chính thức của thông tin máy bay mất tích ở eo biển Malacca, nhưng việc tìm kiếm, cứu hộ đã được nước này mở rộng sang phía nam biển Andaman - Đồ họa: Sơn Duân

Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trong ngày hôm nay 12.3, có 31 tàu, 22 máy bay của Việt Nam và nước ngoài tham gia tìm kiếm. Trong đó Việt Nam có 9 tàu và 8 máy bay. Trung Quốc 6 tàu, 4 máy bay.
 

[11 giờ] Trung Quốc đang là quốc gia gửi nhiều phương tiện nhất đến Việt Nam tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.

Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam, Trung Quốc đã cử 6 tàu, 4 máy bay đến vùng biển được khoanh vùng máy bay Boeing 777, số hiệu MH370, bị mất liên lạc.

Trao đổi với báo chí hôm nay 12.3, Phó tổng tham mưu QĐND Việt Nam, trung tướng Võ Văn Tuấn, cho biết đến cuối giờ chiều qua (11.3) đã có một số máy bay, tàu của Trung Quốc đi vào lãnh thổ Việt Nam, tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.

Các phương tiện này phải tuyệt đối tuân thủ sự chỉ đạo điều hành, chỉ huy trực tiếp của Việt Nam vì đang hoạt động trong vùng lãnh hải, không phận của Việt Nam, ông Tuấn khẳng định.

[10 giờ 30] Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam cho biết Cục Hàng không Malaysia đã trả lời Việt Nam về nguồn tin máy bay rơi ở eo biển Malacca. Theo đó, Cục Hàng không Malaysia chưa có nguồn tin chính thức về việc có hay không mảnh vỡ của máy bay mất tích ở eo biển Malacca vì vậy Malaysia chưa khẳng định chính thức thông tin này.

Sở chỉ huy Trung tâm cứu nạn hàng không cho biết Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm theo kế hoạch với 2 máy bay AN 26, 2 CASA, máy bay của Không quân, Hải quân Việt Nam. Ngoài ra, còn có máy bay của Trung Quốc, New Zealand, Singapore cũng bay ở khu vực biển Đông của Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Hàng không cũng cho biết máy bay khi mất tích được xác định là đang bay ở độ cao hơn 10.000 m. Về giả thiết đưa ra là máy bay nổ ở trên không, theo ông này, nếu máy bay nổ thì các mảnh vỡ sẽ rơi vương vãi dưới biển hoặc đất liền. Nhưng đến hôm nay vẫn không tìm thấy dấu vết nào là mảnh vỡ của máy bay nên giả thiết đó là chưa có cơ sở.

[10 giờ 10] Thông tin từ Sở chỉ huy cứu nạn Hàng không VN cho biết: Sáng nay lãnh đạo Cục hàng không VN (ACC Việt Nam) đã gửi Cục hàng không Malaysia xác nhận thông tin radar tìm thấy tín hiệu máy bay mất tích ở eo biển Malacca.

ACC HCM thông báo sáng nay máy bay của Malaysia vẫn tiếp tục bay tìm kiếm tại điểm IGARI (điểm đánh dấu máy bay biến mất khỏi màn hình).

Thông tin tạm dừng các hoạt động tìm kiếm là không chính xác

[9 giờ 30] Trao đổi với báo chí sáng nay 12.3, trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đã khẳng định các hoạt động tìm kiếm từ các lực lượng, phương tiện vẫn đang diễn ra theo kế hoạch. Vùng tìm kiếm mở rộng hơn về phía đông đường bay dự kiến. Thông tin tạm dừng các hoạt động tìm kiếm là không chính xác.

Ông Tuấn nói về thông tin nhiều cơ quan thông tấn quốc tế đưa tin dò được tín hiệu máy bay ở Malaysia: "Chúng tôi đã có trao đổi kỹ với đại diện tùy viên quân sự Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội. Họ đã khẳng định phía Malaysia không đưa ra thông tin này".

 

Hơn nửa triệu người kiểm tra hình vệ tinh để tìm máy bay

Đã có ít nhất 600.000 người tình nguyện đăng ký giúp Công ty DigitalGlobe, có trụ sở đặt tại bang Colorado (Mỹ), quét qua các tấm ảnh do 2 trong tổng số 5 vệ tinh của công ty này chụp tại khu vực giữa vịnh Thái Lan và biển Đông, nơi chiếc máy bay mang số hiệu MH370 được cho là đã mất tích vào hôm 8.3.

Chúng tôi có hàng trăm ngàn thành viên xem xét kỹ lưỡng từng ly từng tí trên các tấm ảnh. Nếu chúng tôi không tìm thấy gì, thì có lẽ ở khu vực này không có gì cả”, ông Shay Har-Noy, nhà sáng lập DigitalGlobe, cho hay.

Ông Shay Har-Noy cũng thừa nhận việc này giống như mò kim đáy bể (xem chi tiết)

[9 giờ] Các trực thăng của Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370) vẫn đang túc trực tại sân bay Cà Mau để chờ lệnh của Sở chỉ huy tiền phương.

Cũng trong sáng nay, trạm radar tại sân bay Cà Mau đã đi vào hoạt động.

[8 giờ 50] Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết Việt Nam đã chính thức liên lạc, đề nghị phía Malaysia xác minh thông tin cho rằng đã phát hiện tín hiệu máy bay MH370 ở khu vực eo biển Malacca và đang chờ phía bạn phản hồi.

Trong hôm nay, lực lượng tìm kiếm của Việt Nam sẽ dịch chuyển phần lớn về khu vực phía đông đường bay, dự kiến tính từ vị trí máy bay bị mất tín hiệu liên lạc.

[8 giờ] Tổng tư lệnh Không quân Malaysia, tướng Datuk Sri Rodzali Daud, ngày 11.3 bác bỏ thông tin từ truyền thông cho rằng ông nói vị trí cuối cùng trước khi mất tích của máy bay hãng Malaysia Airlines là ở eo biển Malacca (xem thêm chi tiết)

[7 giờ 20] Chiếc máy bay mất tích bí ẩn của hãng hàng không Malaysia Airlines đã gửi đi ít nhất là 2 tin báo kỹ thuật cho hãng hàng không này trước khi biến mất, trang tin MSN (Mỹ) dẫn báo cáo từ tạp chí khoa học New Scientist (Anh) khẳng định ngày 12.3 (xem thêm chi tiết)

Phía Malaysia chưa lên tiếng về thông tin này. Nhưng truyền thông phương Tây dẫn nguồn từ trung tâm giám sát tình trạng động cơ toàn cầu của Rolls Royce, hãng chuyên làm động cơ cho Boeing.

VN đề nghị Malaysia xác minh tin máy bay MH370 ở Malacca 

[6 giờ 30] Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Phạm Quý Tiêu cho phóng viên Thanh Niên Online biết đã yêu cầu phía Malaysia trả lời xung quanh thông tin “tìm thấy dấu hiệu máy bay Malaysia mất tích”; tuy nhiên, vẫn chưa nhận được trả lời từ cơ quan hữu quan nước bạn.

"Thừa ủy quyền của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam, trong hôm nay (12.3) một số hoạt động tìm kiếm sẽ được tạm dừng. Các tàu trên biển sẽ tạm ngưng tại chỗ chờ lệnh", ông Phạm Văn Long - Phó giám đốc Công ty quản lý bay miền nam thông báo cách đây ít phút. Ông Long cũng cho biết một vài chuyến bay vẫn duy trì công tác tìm kiếm.


Ông Phạm Văn Long thông báo tin tạm dừng tìm kiếm sáng 12.3 - Ảnh: Trung Hiếu

Nhóm PV Thanh Niên Online

 

>> Chuyên gia Việt Nam phỏng đoán nguyên nhân máy bay mất tích
>> Thân nhân hành khách trên máy bay Malaysia mất tích từ chối nhận tiền hỗ trợ
>> Chùm ảnh: Theo tuần thám tìm kiếm máy bay mất tích
>> Interpol loại trừ khả năng máy bay Malaysia mất tích vì bị khủng bố
>> Nhà ngoại cảm' gọi điện báo 'máy bay Malaysia mất tích rơi trong rừng... U Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.