'Đau đầu' với việc giảm số phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Lê Hiệp
Lê Hiệp
02/09/2019 18:30 GMT+7

Không giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì không thực hiện chủ trương của T.Ư, còn giảm số lượng thì lại khó đảm bảo hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương tới các đại biểu Quốc hội trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.
Trong đó, việc giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, vốn là vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều từ kỳ họp trước vẫn chưa có được phương án cuối cùng. 
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với việc giảm phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện thì đa số đại biểu thống nhất. Tuy nhiên, đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành (gồm 2 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện xuống còn 1 người.
Còn đối với việc giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đề xuất 2 phương án để tiếp tục thảo luận, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.
Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 2 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách như luật hiện hành.
Ở phương án 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, quy định lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Trường hợp chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm riêng. Với phương án 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua thảo luận cho thấy, rất nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên số lượng phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để bảo đảm cho cơ cấu của thường trực Hội đồng nhân dân hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thiết chế này trong bối cảnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương hiện nay.
Hơn nữa, các ý kiến này cho rằng, những lý giải cho việc giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân trong tờ trình của Chính phủ là chưa hợp lý, tính thuyết phục chưa cao. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, theo phương án này thì chưa giảm được số lượng cấp phó đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo chủ trương của T.Ư.
Còn đối với phương án 2, mặc dù chưa giảm được số lượng cấp phó (đối với địa phương chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân), nhưng việc bố trí 2 vị trí lãnh đạo hoạt động chuyên trách giúp cho việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phương án này cũng có “nhược điểm” là khi chủ tịch Hội đồng nhân dân thay đổi từ hoạt động chuyên trách sang kiêm nhiệm hoặc ngược lại thì số phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cũng phải bố trí thay đổi theo để bảo đảm luôn có 2 lãnh đạo Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với việc giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh vì cho rằng, nếu đồng loạt giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người sẽ ảnh hưởng không tốt đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Mặt khác, theo quy định của luật hiện hành thì việc quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 2 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân không làm tăng biên chế so với trước vì thực chất một chức danh phó chủ tịch được nâng lên từ ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân.
Không đồng tình giữ nguyên số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp thứ 7, một số đại biểu đề nghị không giảm 10% số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mà chỉ giảm ở các tỉnh khác. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tất cả các địa phương trên cả nước đều phải thực hiện chủ trương chung của Đảng nhằm tiến tới tinh gọn bộ máy, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Hội đồng nhân dân.
Do đó, việc giảm 10% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là cần thiết và vẫn bảo đảm tính đặc thù của hai địa phương này so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Theo đó, 2 địa phương này được bầu 95 đại biểu, trong khi các tỉnh, thành phố khác được bầu không quá 85 đại biểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.