Đất nước qua 30 năm đổi mới - Kỳ 5: Bỏ bao cấp, đề xuất giá - lương - tiền

25/01/2016 09:51 GMT+7

Từ việc tập hợp các trí thức chế độ cũ của Sài Gòn trước năm 1975 để bàn chuyện phát triển công ty, Nhóm thứ Sáu đã có những đề xuất táo bạo góp phần xóa bỏ cơ chế bao cấp tồn tại những năm sau 1975.

Từ việc tập hợp các trí thức chế độ cũ của Sài Gòn trước năm 1975 để bàn chuyện phát triển công ty, Nhóm thứ Sáu đã có những đề xuất táo bạo góp phần xóa bỏ cơ chế bao cấp tồn tại những năm sau 1975.

 Ông Phan Chánh Dưỡng - Ảnh: Trung Hiếu Ông Phan Chánh Dưỡng - Ảnh: Trung Hiếu
Công ty cổ phần đầu tiên
Năm 1980, nhằm tháo gỡ khó khăn và khôi phục ngành công nghiệp của thành phố, Thành ủy TP.HCM có chủ trương thành lập bốn công ty là Cholimex, Ficonimex, Direcximco và Pharimex để phát triển kinh tế. Trong bốn công ty này thì Cholimex được coi là công ty cổ phần đầu tiên sau 1975 vì ngoài vốn nhà nước còn có vốn của các tiểu thương người Hoa góp vào.
Ông Phan Chánh Dưỡng lúc này đang là thầy giáo dạy lí được điều về làm Trưởng phòng kế hoạch Công ty Cholimex ở quận 5. Nhiệm vụ của Cholimex là tìm cách mở rộng kinh doanh với thị trường HongKong, Singapore… Làm xuất nhập khẩu mà đa số nhân viên lại không biết ngoại ngữ. Lúc này, ông Dưỡng mới mời ông Trần Bá Tước, Phan Thành Chánh – hai chuyên gia cao cấp của ngành ngân hàng ở Sài Gòn trước năm 1975 - về hỗ trợ.
Năm 1985, ông Dưỡng làm Giám đốc Cholimex. Chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng nặng nề trong khi ông nhận thấy khả năng của mình có hạn. Cho nên thông qua những mối quan hệ của đồng sự như ông Tước và ông Chánh, ông Dưỡng đã mời các chuyên gia, trí thức trước năm 1975 ở Sài Gòn như Mai Kim Đỉnh, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Phan Tường Vân, Nguyễn Ngọc Bích, Hồ Xích Tú, Trần Trọng Thức, Hoàng Thoại Châu… về hỗ trợ.
Ông Dưỡng kể về những ngày tháng gian khổ của nhóm: “Mỗi buổi nhóm họp chừng một giờ đồng hồ, bàn những chuyện “trên trời dưới đất”. Anh em ai cũng vui vì ngoài việc được nói chuyện chuyên môn lại được ăn ngon. Lúc đó công ty xuất khẩu thủy sản nên nhà bếp tận dụng phần thừa đầu đuôi cá nấu một nồi canh chua ăn thiệt đã”.
Lúc đầu, nhóm chỉ bàn chuyện kinh tế xoay quanh Cholimex, sau đó mở rộng ra. Những góp ý hay được ghi lại chuyển cho Thành ủy, rồi gửi ra Trung ương. Những lãnh đạo TP.HCM thời đó như Võ Trần Chí, Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Phạm Chánh Trực… thỉnh thoảng cũng đến nghe nhóm góp ý. Uy tín của nhóm lan ra tận Trung ương. Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt cũng hay cử thư ký tham dự. Tháng 10.1986, nhóm đánh dấu thời điểm hợp pháp là tờ giấy xác nhận danh sách “Nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế của Thành ủy” do ông Võ Trần Chí, Bí thư Thành ủy, cấp.
Hàng loạt công trình nghiên cứu như đề xuất cải cách hệ thống ngân hàng; các nghiên cứu phát triển ngoại thương, các đề tài kinh tế vàng góp mặt vào các chính sách; đề án thành lập Khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất đầu tiên của VN; hàng loạt dự án đầu tư: đại lộ Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh (nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh), khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp Hiệp Phước...
Ông Dưỡng cho hay ban đầu nhóm họp chiều Hai – Tư – Sáu ở trụ sở Cholimex. Tuy nhiên đến những năm 1989-1990, lúc này kinh tế phát triển, một số thành viên của nhóm được các doanh nghiệp mời hợp tác nên nhóm họp vào chiều thứ Sáu. Đó cũng chính là lí do cái tên Nhóm thứ Sáu ra đời.
Bài 6: Xóa bỏ cơ chế bao cấp 2Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt chụp hình kỉ niệm với Nhóm thứ Sáu - Ảnh tư liệu của ông Phan Chánh Dưỡng
Đề xuất giá – lương - tiền
Khi được hỏi về đề xuất có giá trị nhất của nhóm thứ Sáu, ông Dưỡng không ngại ngần khẳng định đó chính là đề xuất giá – lương - tiền. “Đó là một đề xuất mà tôi phải khẳng định là xuất sắc”, ông Dưỡng nói.
Lần đổi tiền cùng với chính sách giá – lương – tiền vào năm 1985 đã khiến nền kinh tế lâm vào cảnh xáo trộn, giá cả tăng từng ngày, tiền mặt khan hiếm… Lúc này Thành ủy TP.HCM đặt hàng với Nhóm thứ sáu là bằng mọi cách phải kéo giá xuống. Cả nhóm bàn 1 tháng mà không có lối ra. Cuối cùng mọi người tìm cách định nghĩa như thế nào là giá lên. Đồng thời nhóm phát hiện tỉ giá USD chợ đen ở thời điểm đó bằng với thời điểm năm 1972. Theo ông Dưỡng, đây là một phát hiện sáng suốt bởi từ đây nhóm đã dần tìm ra đáp số giải quyết bài toán giải quyết giá – lương - tiền.
“Việc so sánh tỉ giá USD ở từng thời điểm khiến chúng tôi phát hiện ra những điều rất thú vị. Thí dụ như hàng nhập khẩu năm 1987 khi về Việt Nam bán đúng bằng giá năm 1972. Nhưng đối với hàng nhập nguyên liệu về chế biến, sản xuất thì giá trong nước rẻ bằng 1/3 so với giá nhập khẩu. Tại sao xảy ra điều này? Chúng tôi tìm ra lí do là bởi sau năm 1975 khi tiếp quản các nhà máy, sản xuất không tính khấu hao, rồi tiền nhân công lại rẻ. Cho nên sản phẩm làm ra tưởng là rẻ nên bán rẻ nhưng sự thật ăn vào vốn, vào nhân công”, ông Dưỡng lí giải.
Đề xuất giá – lương – tiền được nhóm nghiên cứu trong 6 tháng trời ròng rã đã phần nào lý giải được những bất cập của nền kinh tế Việt Nam đang tàn tạ lúc đó. Sau khi hoàn thành, nhóm đã gửi đề xuất cho lãnh đạo TP.HCM và sau đó đề xuất này được gửi ra Trung ương. Ông Võ Văn Kiệt lúc này đang là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau khi xem xong đề xuất lập tức mời ông Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước ra trung ương thuyết trình về giá – lương – tiền. Có thể nói đề xuất trên là một nghiên cứu bài bản, có hệ thống góp xóa bỏ tình trạng ngăn sông cấm chợ, cản trở lưu thông hàng hóa trên toàn quốc.
“Các vị lãnh đạo nghe chúng tôi thuyết trình xong và có hướng giải quyết để ổn định nền kinh tế. Đề xuất giá – lương – tiền đã lật ngược thế cờ, góp phần xóa cơ chế bao cấp”, ông Dưỡng nói.
Nở rộ mô hình “think tank”
Có thể nói từ cuối năm 1980 nở rộ mô hình think tank (bể chứa ý tưởng) kể cả chính thức và không chính thức. Các nhóm chính thức như Tiểu ban cơ chế mới do Bộ Chính trị thành lập cuối năm 1985; nhóm nghiên cứu sản xuất hàng hóa và quy luật giá trị do Hội đồng Bộ trưởng thành lập vào tháng 3.1986; nhóm nghiên cứu của Bộ Ngoại giao; tiểu ban giải pháp cấp bách về tài chính, giá cả…
Nhóm không chính thức tiêu biểu như câu lạc bộ giám đốc; nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh hay nhóm nghiên cứu của Nguyễn Văn Hảo. Hai người này trước đó đều là cựu Phó thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa; nhóm thứ Sáu… Thời gian này đông đảo chuyên gia, trí thức Việt kiều cũng góp sức vào việc phản biện, xây dựng và phát triển kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.