Đập phá trại nuôi ong vì sợ Covid-19

07/04/2020 07:20 GMT+7

Một nhóm người kéo đến đập phá trại nuôi ong của gia đình anh Võ Thanh Sơn (38 tuổi, ở thôn Sơn Châu, xã Long Sơn, H.Minh Long, Quảng Ngãi) vì cho rằng 'sợ ảnh hưởng của dịch Covid-19 '.

Theo đó, cả trăm thùng ong mật của gia đình này bị vỡ nát. Trong đó, có khoảng 40 thùng bị hư hại hoàn toàn.
Anh Sơn cho biết vào 2 đêm 31.3 và 2.4, khoảng 22 giờ, một nhóm người kéo đến đập phá các thùng ong, cầm đất đá tấn công anh và dùng thuốc xịt côn trùng để diệt ong. “Nhóm người đó không chỉ tấn công trại ong mà còn có ý hăm dọa chồng tôi. Cũng may là anh Sơn tránh được, nếu không đã bị đá chọi trúng đầu, trúng thân”, chị Bùi Thị Ái Vân (28 tuổi, vợ anh Sơn) nói.
Với hàng chục thùng ong bị đập nát, anh Sơn bị thiệt hại khoảng 100 triệu đồng, chưa kể mùa mật năm nay dự báo thiệt hại khoảng 10 tấn. Trong đó, một phần là do kẻ xấu dùng bình xịt côn trùng để diệt ong và các thùng nuôi ong, nên phải bỏ thùng mật. Hiện hàng trăm thùng ong của anh Sơn đang được các hội đoàn thể ở H.Minh Long vận động di chuyển đi nơi khác, đến khi hết dịch Covid-19 mới quay về.
Theo anh Sơn, anh chuyển đàn ong về địa phương trước khi có chỉ thị “cách ly xã hội” của Thủ tướng. Trước khi về địa phương, anh đã thực hiện thủ tục khai báo y tế với chính quyền xã Bình Tân, H.Phú Riềng, Bình Phước. Khi về xã Long Sơn (H.Minh Long), anh Sơn cũng thực hiện khai báo y tế theo đúng quy định.
Ngày 6.4, ông Võ Văn Gấm, Phó chủ tịch UBND xã Long Sơn, cho biết chính quyền đã nắm rõ vụ đập phá trại ong này. Theo ông Gấm, một số người dân ở địa phương lo sợ ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kéo đến đập phá, đuổi trại ong đi nơi khác. Hiện nay, địa phương đang vận động người dân hết sức bình tĩnh, không gây thiệt hại cho trại ong.
Ông Nguyễn Văn Hân, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trong vụ này không loại trừ bị ganh ghét, tranh chấp với người dân địa phương do lo ngại “thị phần” ong tự nhiên tại chỗ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc ong nuôi dưới những tán rừng thưa như trên không ảnh hưởng đến mùa màng của người dân, mà còn tốt hơn cho quá trình thụ phấn, kết trái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.