Đánh ghen, có thể bị tội gì?

Phan Thương
Phan Thương
08/07/2018 07:13 GMT+7

Liên tiếp những video quay cảnh đánh ghen được tung lên mạng những ngày qua gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Người cho rằng không nên, kẻ vỗ tay bảo “đáng đời thứ ngoại tình”...

Trong khi dư luận 5 người 10 ý, thì chính những người “trong cuộc” có thể phải đối mặt với pháp luật.
Vụ gần đây nhất, khoảng 21 giờ ngày 5.7, ông B.V.H (53 tuổi, ngụ ấp 3, xã Bình Phong Thạnh, H.Mộc Hóa) điều khiển xe máy chở chị N.T.T.N (26 tuổi, ngụ cùng ấp) đi sang ấp 2, xã Bình Phong Thạnh. Khi đi được gần 2 km, đến đoạn đông dân cư, ông H. bị vợ là bà T.L.L (53 tuổi) đuổi kịp, chặn đường. Trong lúc hai bên đang đứng nói chuyện, bất ngờ bà L. nhào tới ôm chị N. rồi dùng lưỡi lam rạch lên vùng mặt, ngực nạn nhân gây thương tích, chảy nhiều máu. Ngày 6.7, Cơ quan CSĐT Công an H.Mộc Hóa (Long An) cho biết đang xác minh làm rõ vụ việc. Bước đầu, cơ quan công an xác định đây là một vụ đánh ghen.
Một số vụ đánh ghen gây bức xúc gần đây Ảnh cắt từ clip

Một vụ đánh ghen khác xảy ra ở Quảng Ninh ngày 4.7 gây rúng động dư luận, đang được Công an TP.Hạ Long điều tra, xử lý. Theo thông tin ban đầu, khoảng 18 giờ 30, trong lúc chị Trần Thị G. (25 tuổi) và anh Phạm Quang V. (28 tuổi) đang ở nhà trọ tại khu 1, P.Cao Thắng (TP.Hạ Long) thì bị vợ anh V. cùng một số người kéo đến đánh chị G. thương tích. Không những vậy, nhóm người này còn xé quần và kéo lê chị G. từ phòng trọ ra ngõ. Nguyên nhân ban đầu là thời gian gần đây anh V. và chị G. có mối quan hệ nam nữ nên vợ anh này ghen tuông…
Đánh ghen từ bị xử lý hành chính đến hình sự
Theo các chuyên gia pháp luật, việc ngoại tình, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, về mặt xã hội và đạo đức thì không ai đồng tình. Nhưng nếu người trong cuộc không khôn khéo xử lý và bình tĩnh thì rất dễ họ vừa là nạn nhân vừa là người vi phạm pháp luật, bị pháp luật chế tài về hành chính lẫn trách nhiệm hình sự.
Luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, đánh ghen không phải là khái niệm được pháp luật quy định mà chỉ là cách người dân gọi để chỉ hành vi bằng lời nói hoặc hành động của một người đối với người mà họ cho rằng có quan hệ tình cảm bất chính với vợ/chồng của mình... Tùy hành vi của người đánh ghen mà sẽ bị pháp luật xử lý. Chẳng hạn người đánh ghen có hành vi xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của “tình địch” thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng theo khoản 3 điều 5 Nghị định 167/2013.
Trường hợp người đánh ghen nếu có hành vi làm nhục người khác nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng, theo Nghị định 167/2013. “Ngoài ra, tùy từng vụ việc, tính chất, mức độ của hành vi, người vi phạm còn có thể bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng hoặc bị xử phạt hành chính từ 500.000 - 1 triệu đồng về hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự, theo Nghị định 167/2013”, LS Hoan chia sẻ…
Cũng theo LS Hoan, cùng hành vi nhưng nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng, người đánh ghen có thể sẽ bị xử lý hình sự. “Người đánh ghen sử dụng các hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 155 bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác. Người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này đến 5 năm tù”, LS Hoan ví dụ.
Trường hợp nếu đánh ghen gây thương tích thì tùy tính chất mức độ có thể bị xử lý hình sự về tội “cố ý gây thương tích” theo điều 134 bộ luật Hình sự 2015. Nếu thương tích của người bị hại từ 11 - 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: dùng a xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm, dùng hung khí nguy hiểm… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm; trường hợp tỷ lệ thương tích trên 30%, thì khung hình phạt của tội này cao nhất từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, theo LS Hoan trường hợp đánh ghen dẫn đến chết người có thể xử lý hình sự về tội giết người và khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Cần xử lý nghiêm người ngoại tình
Trong khi người đánh ghen có thể bị xử lý rất nặng nếu gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thì ở chiều ngược lại, trường hợp vi phạm chế độ một vợ một chồng (ngoại tình) bị xử lý như thế nào?
Các chuyên gia pháp luật cho biết bộ luật Hình sự 2015 vẫn có quy định chế tài nhưng để xử lý hình sự được rất khó và hy hữu. LS Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn LS TP.HCM) cho hay luật định nghĩa tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng là người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 3 năm. “Tuy nhiên, để xử lý được tội danh này, luật cũng quy định các điều kiện kèm theo, là làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát... Tức phải có hậu quả xảy ra thì mới xử lý hình sự được”, LS Nữ nêu.
LS Nữ cũng chia sẻ, rất nhiều phụ nữ đến văn phòng bà xin tư vấn về tình trạng chồng mình ngoại tình nhưng khi được đề nghị gửi đơn tố cáo ra chính quyền địa phương hoặc công an để giáo dục, xử lý thì đa phần không ai đồng ý và họ đều cùng có quan điểm là chịu đựng và tự giải quyết. “Khi sự chịu đựng lên đến đỉnh điểm sẽ dẫn đến những hành động đánh ghen bộc phát và chính những nạn nhân lại là người có hành vi vi phạm pháp luật”, bà Nữ nhìn nhận và cho rằng cần xử lý nghiêm những người ngoại tình, vì đó chính là khởi nguồn dẫn đến những vụ đánh ghen.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.