Sau người đầu tiên được tiêm lúc gần 10 giờ sáng nay, 12.1, trưa và chiều có thêm 2 tình nguyện viện khác được tiêm.
PGS - TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y, cho biết 3 tình nguyện viên đầu tiên tiêm liều 75 mcg đều là nữ, độ tuổi từ 20 - 22. Tất cả sẽ được theo dõi sức khỏe liên tục trong 72 giờ tại Trung tâm.
Đây là 3 người đầu tiên trong nhóm 20 người cuối cùng trong số 60 người tham gia thử nghiệm giai đoạn 1 vắc xin Nano covax do công ty Nanogen (TP.HCM) sản xuất. Ngày 14.1 tới thêm 17 tình nguyện viên sẽ được tiêm vắc xin này, cùng liều 75 mcg/mũi tiêm. Các tình nguyện viên sẽ tiêm 2 mũi, cách nhau 28 ngày.
Lãnh đạo Học viện Quân y cho biết, để an toàn tối đa cho các tình nguyện viên, cùng với các nhân viên y tế trực 24/24 theo dõi sức khỏe, còn có sự hỗ trợ của các chuyên gia về cấp cứu - hồi sức, dị ứng và các trang thiết bị y tế, kịp thời hỗ trợ xử trí có các phản ứng bất thường (nếu có).
Hiện, nữ tình nguyện viên đầu tiên sau tiêm mũi vắc xin Covid-19 với liều cao nhất (75 mcg) đang có sức khỏe bình thường.
Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19. Sau Nano covax, trong tháng 1 và 3 năm nay sẽ có thêm 2 vắc xin "made in Việt Nam" được triển khai thử nghiệm lâm sàng.
|
Trước đó, từ ngày 17.12.2020, đã có các tình nguyện viên được tiêm vắc xin Covid-19 Nano covax mức liều 25 mcg và 50 mcg, tất cả đều có sức khỏe ổn định sau tiêm.
Học viện Quân y là đơn vị được
Bộ Y tế phê duyệt truển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 Nano covax. Nghiên cứu được triển khai 3 giai đoạn, dự kiến hoàn thành trong năm nay, đánh giá an toàn, tính sinh miễn dịch, liều tiêm phù hợp.
Học viện Quân y đang tuyển 500 - 600 tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin này cho nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, dự kiến triển khai vào tháng 3 năm nay.
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế sẽ có các đoàn
giám sát trong suốt quá trình nghiên cứu lâm sàng vắc xin Covid-19, đặc biệt chú trọng tính an toàn, các phản ứng bất lợi (nếu có); việc tuân thủ các quy trình nghiên cứu, đảm bảo tính khách quan, trung thực của số liệu. Kết quả nghiên cứu là dữ liệu quan trong để Bộ Y tế cho phép vắc xin Covid-19 lưu hành, tiêm cho cộng đồng.